Liên kết để tạo sức mạnh
Sắp tới, Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Một lần nữa cơ hội cũng như những thách thức đang đặt lên vai các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Ông Phùng Đức Tiến.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp trong nước phải liên kết lại để tham gia vào chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh.
PV: Thưa ông việc chúng ta phê chuẩn CPTPP đem lại những thuận lợi, cơ hội nào? Và những thách thức nào đang chờ đón?
Ông Phùng Đức Tiến: Hiện sản phẩm nông nghiệp của ta đã xuất đi hơn 180 nước và thực hiện một số hiệp định thương mại tự do FTA thành công. Sắp tới, nếu tham gia Hiệp định CPTPP, chúng ta có lợi thế là nông sản Việt Nam sẽ phát huy được giá trị, thị phần, thị trường sẽ lớn hơn. Tuy nhiên ta phải tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao, đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp chế biến.
Như vậy giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp mới vượt lên, và tỏa sáng trên thị trường. Với lợi thế nông nghiệp Việt Nam có 7 vùng sinh thái, nhiều sản phẩm đặc hữu của chúng ta sẽ được phát huy cả về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp của ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình độ đổi mới công nghệ lại thấp.
Cho nên đây là những khó khăn thách thức. Thứ hai, một số đối tượng lao động sẽ bị giảm và tổ chức công đoàn là khó khăn thách thức đang phải đối đầu. Vì vậy, về trình độ khoa học công nghệ trong các ngành sản xuất phải có bước đổi mới căn bản, toàn diện mới đáp ứng được yêu cầu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Làm sao để giá thành sản phẩm phải hạ xuống nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm phải được nâng lên thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài vấn đề nông nghiệp thì ta có rất nhiều mặt hàng khác cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Vừa qua, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra trong đó có 2 mặt hàng lớn của ta bị ảnh hưởng là thép và nhôm khi Mỹ tăng thuế thép lên 25% và 10% đối với nhôm. Vậy Nhà nước cần có những giải pháp gì, nếu không doanh nghiệp của ta sẽ “thua ngay trên sân nhà”, thưa ông?
-Các cụ đã nói: “Ra biển khắc biết bơi”. Trước các áp lực như vậy buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, thay đổi quản trị để có sức cạnh tranh. Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép hội nhập không cách nào khác muốn tồn tại và phát triển phải cơ cấu lại đội ngũ, công nghệ, quản trị và tiếp cận thị trường một cách khôn khéo hơn. Thực ra những ngành trên không phải là mới vì cũng đã có thời gian tích tụ tập trung. Họ cũng có kinh nghiệm trong nước và quốc tế rồi. Vì thế theo tôi đây cũng là động lực để doanh nghiệp của ta đổi mới và vươn lên, vì trước sức ép như vậy doanh nghiệp buộc phải chiến đấu.
Nhưng với vai trò là Nhà nước kiến tạo, đóng vai trò “bà đỡ” thì sự can thiệp của Nhà nước bằng các chính sách để trợ giúp cho doanh nghiệp trong lúc này là vô cùng quan trọng, thưa ông?
-Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Đồng thời với nội lực của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách, thậm chí có hàng rào kỹ thuật để điều tiết sự hội nhập. Nói thế không có nghĩa bảo hộ toàn bộ nhưng có lộ trình để doanh nghiệp Việt Nam có thể cập nhật và hội nhập.
Từ khi chúng ta gia nhập WTO cho đến nay, theo đánh giá vẫn có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp bị tổn thương. Khi gia nhập CPTPP với độ hội nhập sâu rộng hơn thì tác động sẽ lớn hơn. Theo ông chúng ta cần hỗ trợ các lĩnh vực yếu thế, trong đó có vấn đề nông sản?
-Nhiều nước có hỗ trợ vấn đề xuất khẩu nông sản. Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng tái cơ cấu lại sản xuất là cái đầu tiên, ứng dụng khoa học công nghệ là cái thứ hai, thứ ba là tăng cường chế biến thì mới nâng cao chuỗi giá trị được. Trong quá trình ấy nhà nước vẫn có những cái hỗ trợ. Ví như khuyến nông, chương trình giống, chương trình hạ tầng thủy sản vẫn có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta cứ tin tưởng rằng, với lợi thế so sánh và đặc hữu thì ta có ưu thế. Chúng ta đã có thử thách trong 30-40 năm đổi mới và xuất khẩu đi hơn 180 thị trường, với hơn 40 tỷ USD do xuất khẩu nông sản, và giờ chúng ta đã tăng tỷ lệ trong thị phần, thị trường.
Vậy cơ hội và thách thức đặt ra với doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào, thưa ông?
-Trước đây liên kết doanh nghiệp là hàng dọc. Ví dụ 1 doanh nghiệp phải 40 năm mới có thương hiệu. Như hãng sản xuất máy bay Boeing chỉ làm khâu thiết kế và lắp ráp, còn các doanh nghiệp phụ trợ cho nó nằm ở các nước khác. Cho nên bây giờ trong nước ta, các doanh nghiệp phải liên kết lại. Ví dụ các doanh nghiệp lớn liên kết với các doanh nghiệp nhỏ; ở dưới là các hợp tác xã liên kết với hộ nông dân, hộ sản xuất. Đánh giá 30 năm đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI cho thấy đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của nước ta. Nhưng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nước ta lại rất hạn chế. Nguyên nhân là do doanh nghiệp trong nước chưa đủ tầm, kinh nghiệm, năng lực và nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận. Cho nên tới đây sẽ có bước liên kết lại theo nhóm để đủ năng lực tiếp cận. Chứ cứ manh mún thì khó.
Trân trọng cảm ơn ông!