Bộ tộc 5 vạn năm tuổi
Nói đến nền văn hóa của Australia, không thể không nói tới những truyền thống độc đáo của các bộ tộc bản địa. Dẫu thế giới bên ngoài có phát triển tột bậc và tiếp nhận những luồng văn hóa khác nhau trên thế giới, các bộ tộc này vẫn giữ nguyên lối sống truyền thống suốt hàng chục nghìn năm qua.
Người Yolngu trong lễ hội truyền thống.
Trong suốt gần 5 vạn năm, những cư dân bộ tộc Yolngu ở Australia vẫn giữ được lối sống truyền thống của mình… Thế giới hiện đại với nhịp sống công nghiệp đang cuốn cả xã hội vào vòng quay chóng mặt. Thế nhưng đâu đó trên vùng đồng bằng rộng lớn của Australia vẫn còn một bộ tộc thổ dân không bị ảnh hưởng bởi tác động này. Họ sống ngoài guồng quay kia, ung dung tự tại như tổ tiên loài người cách đây hàng chục ngàn năm…
Tại vùng lãnh thổ phía Bắc Australia, Arnhem Land, bộ tộc người Yolngu đã sinh sống ở đây từ gần 50.000 năm trước. Họ là những người bản địa đầu tiên trên lãnh thổ châu Úc và tồn tại cho tới tận ngày hôm nay, trong ngôi làng nhỏ có tên Matamata.
Theo tài liệu khảo cổ học, chính xác người Yolngu đã có mặt ở Australia từ 49.800 năm về trước. Ban đầu họ cùng chung sống với hàng trăm tộc người khác nhau, với tổng cộng 250 loại ngôn ngữ thổ dân bản địa. Tuy nhiên, kể từ sau khi James Cook (người châu Âu đầu tiên đặt chân đến châu Úc) tới đây năm 1770, các bộ tộc ở đây trải qua hơn 200 năm đen tối với thảm sát, bệnh tật, xâm chiếm…
Theo truyền thuyết của người Yolngu, Trái đất ban đầu là một vũng lớn toàn bùn và đất sét. Sau đó, các đấng tổ tiên nổi lên từ lòng đất hoặc xuất hiện từ bầu trời. Các đấng tổ tiên đã khai sinh ra tất cả mọi thứ, từ sinh vật, con người cho tới trí tuệ, hy vọng và niềm vui. Họ là đấng tối thượng và mọi chỉ dẫn của họ cho con cháu đời sau đều cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc.
Với cách thức săn bắt và hái lượm chủ yếu như người nguyên thủy, thức ăn chính trong thực đơn của tộc Yolngu hàng ngày chính là loài rùa biển, chuối và hạt điều. Ngoài ra, đôi khi thợ săn Yolngu còn đánh bắt thêm cả cá đuối gai độc, hải mã hay bò biển.
Người Yolngu có cách ăn rùa rất độc đáo và họ coi đây là một món ăn truyền thống. Thông thường, người Yolngu đào một lỗ lớn trên mặt đất, kiếm củi và châm lửa sau khi cho rùa vào đó. Bịt các lỗ chân rùa để máu không bị chảy ra rồi dùng dao chặt đầu rùa. Phần này được nướng riêng vì thịt má rùa rất ngon. Còn lại, họ moi ruột rùa và thịt ra, làm sạch và luộc lên ăn.
Rùa xanh là loài cần được bảo vệ, nhưng thổ dân được phép săn bắt vì đó là một món ăn truyền thống. Rùa xanh được tìm thấy chủ yếu tại Songlines.
Săn cá bằng lao.
Trải qua hàng chục ngàn năm nhưng phương thức sống của bộ tộc người Yolngu gần như không đổi. Họ vẫn sống như người nguyên thủy với hình thức săn bắt và hái lượm. Trong đó, một trong những nghề chính của họ là săn bắt cá sấu. Đây là công việc của những người đàn ông trong bộ tộc. Ngoài súng là phương tiện thời hiện đại, người Yolngu bắt cá sấu bằng cả những phương pháp truyền thống. Chủ yếu họ săn bắt cá sấu nước ngọt. Tuy kích thước chúng không to lớn nhưng rất hung dữ và nhanh nhạy. Thịt cá sấu là nguồn thực phẩm chính nuôi sống bao đời thế hệ người Yolngu.
Sống trong rừng nên người Yolngu coi rừng là nguồn sống của mình. Rừng cho họ những vỏ cây lớn để dùng làm đệm giường cũng như những kỹ năng sinh tồn quan trọng. Những người phụ nữ trong tộc thường bóc tách vỏ cây Paperbark dùng để trang trí chiếc giường của họ.
Với người Yolngu, khi đói, hãy áp tai vào cây lớn, nếu bạn nghe thấy tiếng “ù ù” thì hãy đốn cây đó xuống. Điều này chứng tỏ, cây đó có chứa nhiều mật ong thơm ngon. Còn nếu muốn đuổi rắn độc, hãy đốt vỏ cây bạch đàn. Một mẹo sống sót khác của người dân nơi đây là nếu khát, hãy cố đào một hố cát để tìm nước uống. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội tận hưởng dòng nước mát lạnh, trong vắt.
Thợ săn Yolngu trong một buổi săn cá sấu trong rừng. Nguồn: Getty.
Người Yolngu có đời sống tâm linh khá phong phú. Mỗi người Yolngu đều có một “giấc mơ tổ tiên”. Theo họ, trong giấc mơ ấy, tổ tiên sẽ dẫn dắt, chỉ đường, nói cho họ biết tính cách ra sao, báo trước những điều cần làm trong suốt cuộc đời này. Với người dân bản địa, màu trắng cũng tượng trưng cho sự đau buồn, tang tóc. Do đó, khi nhà ai có tang sự thì người nhà thường trát đất sét trắng lên người như để thông báo cho tất cả dân làng.
Lửa là công cụ, quà tặng của Chúa trời và cũng là mối nguy hiểm thường trực. Trẻ em Anangu được dạy những điều này từ rất sớm tại Watarru - một trong những vùng đất rất coi trọng truyền thống.
Cuộc sống hiện đại ảnh hưởng không nhiều tới sinh hoạt của người Yolngu. Ở đây, hiệu quả giáo dục chưa thực sự cao và hầu như trẻ em chỉ thích học làm thợ săn rùa, cá đuối. Thứ duy nhất xâm nhập vào nhận thức của người Yolngu chính là thuốc lá trong khi một chất kích thích khác là rượu lại bị cấm tiệt ở làng Matamata.