Triển vọng mới cho cây ca cao
Ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu đã được nhiều chuyên gia, đối tác nước ngoài đánh giá cao về chất lượng so với ca cao ở các địa phương khác. Với việc, sản phẩm ca cao có đầu ra, giá cả ổn định, đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho những người trồng ca cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Cây ca cao Việt Nam được thế giới đánh giá cao
Ông Trương Ngọc Lâm, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) là thành viên của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Xà Bang. Ông Lâm có 9 sào đất, trồng ca cao từ năm 2004 và xen canh với một số cây trồng khác như: tiêu, sầu riêng, măng cụt. Hiện nay, mỗi năm vườn ca cao của gia đình ông thu về khoảng 2,5 tấn ca cao khô, với giá bán 60.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Lâm là một trong số 20 thành viên của Hợp tác xã Thương mại -Dịch vụ nông nghiệp Xà Bang, gắn bó 14 năm với cây ca cao. Hiện nay, toàn hợp tác xã có khoảng hơn 30 ha của 20 hộ chuyên trồng ca cao.
Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Xà Bang cho biết, nhận thấy nguồn ca cao tại địa phương đạt chất lượng tốt, hợp tác xã đã vận động bà con tham gia lớp tập huấn, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ (chương trình phát triển bền vững cho cà phê, ca cao và chè, hợp tác cùng các thương hiệu hiện có). Theo tiêu chuẩn UTZ, nông dân thay đổi thói quen canh tác, từ khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc đúng quy trình đến bón phân, dùng thuốc trừ sâu đúng loại, đúng liều, ghi chép nhật ký canh tác.
Hiện nay, hợp tác xã đang chuyển sang trồng ca cao theo hướng hữu cơ an toàn. Hiện nay, mỗi năm hợp tác xã thu về khoảng 132 tấn hạt ca cao. Số ca cao hạt này đều được Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt do chính anh Trịnh Văn Thành làm giám đốc công ty có địa chỉ tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức ký hợp đồng thu mua hết và xuất thô cho các công ty khác để xuất khẩu đi nước ngoài như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…
Dự kiến, cuối năm 2018 công ty sẽ hợp tác với phía đối tác Nhật Bản đầu tư máy móc để sản xuất bột ca cao, bơ và kẹo socola để xuất đi Nhật Bản, Nga bằng chính nguyên liệu hạt ca cao của bà con hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp Xà Bang. Đây là triển vọng mới cho ca cao của tỉnh.
Tương tự, Hợp tác xã ca cao hữu cơ Châu Đức (xã Xà Bang) hiện có 30 thành viên canh tác trên 70 ha. Anh Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc hợp tác xã cho biết, ngoài 20 ha ca cao tại khu vực phường Hắc Dịch (thị xã Phú Mỹ), anh đã chọn huyện Châu Đức để xây dựng nguồn nguyên liệu ca cao, với 50 ha. Anh đã tập hợp nông dân trồng ca cao và hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và tháng 7/2017, Hợp tác xã Ca cao hữu cơ Châu Đức ra đời.
Từ đây, nông dân canh tác theo một quy trình kỹ thuật, phân bón, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đồng nhất và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Trung bình mỗi hécta ca cao với sản lượng khoảng hơn 2 tấn hạt, trừ chi phí bà con thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Sản phẩm ca cao của các thành viên hợp tác xã cũng được Công ty TNHH thực phẩm Amazon cũng do chính anh Hồ Sĩ Bảo làm giám đốc công ty bao tiêu 100% sản phẩm.
Anh Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Amazon cho biết, hiện nay, các mặt hàng bột ca cao, chocolate, bơ, rượu ca cao chế biến từ hạt ca cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được người tiêu dùng chấp nhận.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có khoảng 1.200 ha ca cao tập trung ở thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu đã được nhiều chuyên gia, đối tác nước ngoài đánh giá cao về chất lượng so với ca cao ở các địa phương khác. Với việc, sản phẩm ca cao có đầu ra, giá cả ổn định, đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho những người trồng ca cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.