Tiếng Anh trong trường phổ thông: Kết quả chưa như kỳ vọng
Tổ chức Education First (EF) vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu (EPI). Trong năm thứ 8 tham gia xếp hạng EPI, Việt Nam tụt xuống vị trí 41 trên tổng số 88 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Một số tổ chức, cá nhân… nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
Với điểm số 53,12, Việt Nam đạt mức độ thông thạo trung bình, xếp thứ 41/88, giảm cả thứ hạng lẫn điểm đánh giá. Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 34 trên tổng 80 nước, vùng lãnh thổ, với 53,43 điểm.
Theo bảng xếp hạng mà EF công bố, chia theo khu vực, nước ta không có nơi nào được xếp vào mức độ thông thạo tiếng Anh cao. 2 khu vực có tiếng Anh tốt nhất là Đông Nam Bộ (54,49 điểm) và đồng bằng sông Hồng (54,34 điểm). Địa phương có EPI cao nhất nước ta là Hà Nội (55,82 điểm). Tiếp đến là TPHCM (55,08 điểm), Đà Nẵng (53,72 điểm), Hải Phòng (52,88). Các tỉnh, TP khác đều thuộc mức độ tiếng Anh thấp và rất thấp.
Ở châu Á, Việt Nam đứng thứ 7, sau Singapore, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc. Trong số các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á tham gia đánh giá, chỉ Singapore thuộc nhóm có chỉ số thông thạo tiếng Anh ở mức rất cao, xếp thứ 3 toàn cầu.
Theo đánh giá của EF, châu Á có chênh lệch mức độ thông thạo tiếng Anh lớn nhất so với các châu lục còn lại, với 3 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong 25% top phía trên của bảng xếp hạng năm nay và 4 quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong 10% dưới cùng.
Theo TS Lê Văn Canh - giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), một trong những nguyên nhân của việc cả xã hội đầu tư cho việc học tiếng Anh nhưng kết quả chưa đạt được như kỳ vọng là do chưa xác định được đúng mục tiêu dạy và học tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Trong đó, tiếng Anh rất cần nhưng mỗi người cần một kiểu khác nhau, không ai giống ai. Chẳng hạn, mục tiêu học tiếng Anh đối với học sinh phổ thông và sinh viên ĐH khác nhau. Những học sinh muốn đi làm công nhân sẽ học ngoại ngữ khác với những em muốn đi du học hay trở thành nhà nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc phát triển kỹ năng tự học cho người học. “Học ngoại ngữ là một quá trình gian khổ đòi hỏi nhiều thời gian và việc học trên lớp không bao giờ đủ do nhiều hạn chế như sĩ số đông, thời lượng có hạn, tài liệu học không phù hợp, trình độ tiếng Anh của giáo viên thấp và chương trình nặng về thi cử. Cần có sự kết nối giữa việc học trên lớp với học ngoài lớp theo các nguyên tắc của phương pháp học kết hợp truyền thống với học có sự hỗ trợ của công nghệ”- TS Canh nêu quan điểm.