Vận tải... biến tướng

Đ.Xá 07/11/2018 08:30

Được triển khai ồ ạt với nhiều kỳ vọng nhưng dịch vụ giao thông phục vụ du lịch và vận tải đường sông ở TP HCM mấy năm gần đây khá èo uột, chưa thu hút người dân tham gia. Điều đáng nói, thay vì tập trung phát triển, tìm cách kéo người dân tham gia thì các dịch vụ vận tải đường sông lại phát triển theo hướng khác, đó là sử dụng mặt bằng để buôn bán, kinh doanh. Nhiều người cho rằng, đây là sự “chệch hướng” của loại hình vận tải đường sông này.

Cách đây khoảng 1 năm, khi khai trương tuyến vận tải đường sông (buýt sông) từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (Thủ Đức), lãnh đạo ngành giao thông TP HCM kỳ vọng đây sẽ là kênh vận tải công cộng hữu ích nhằm giảm tải cho phương tiện đường bộ, thu hút người dân tham gia. Đồng thời, ngành giao thông thành phố cho biết sẽ mở thêm hàng loạt tuyến vận tải đường sông khác từ bến Bạch Đằng đi quận 7, quận 4, Bình Chánh hay Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi… để phát huy thế mạnh của hơn 1.000 km đường thủy tự nhiên.

Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động có thể khẳng định, rất hiếm người dân chọn lựa buýt đường sông làm phương tiện di chuyển thay thế đường bộ (buýt thường, xe cá nhân) để di chuyển hàng ngày. Vì thế, việc cho phép doanh nghiệp khai thác buýt đường sông mở các dịch vụ kinh doanh ăn uống, cà phê ở bến Bạch Đằng có thể làm “chệch hướng” phát triển loại hình giao thông đường thủy này so với mục tiêu ban đầu. Ai cũng biết, với diện tích vài trăm mét vuông, nằm ở vị trí trung tâm ngay các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (quận 1) việc kinh doanh ẩm thực sẽ dễ dàng hơn vận tải rất nhiều. Tất nhiên, đi kèm với đó cũng là nhiều hệ lụy như rác thải, mỹ quan đô thị hay ô nhiễm mặt nước ven bờ.

Không chỉ có khu vực bến Bạch Đằng, một số bến cảng khác của vận tải đường sông ở TP HCM dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sau một thời gian hoạt động cũng rơi vào tình trạng tương tự. Và khách sử dụng các dịch vụ vận tải đường sông thì ít nhưng tìm đến địa điểm này uống cà phê thì nhiều, khiến mỹ quan đô thị bị thay đổi theo chiều hướng nhếch nhác, lộn xộn hơn.

Việc thành phố định hướng phát triển hệ thống giao thông đường thủy là đúng đắn, có thêm lựa chọn để người dân có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, khi triển khai, các doanh nghiệp tư nhân lại không tận tâm phát triển theo định hướng này mà thay vào đó, sử dụng các khu đất được giao phục vụ hạ tầng giao thông để chuyển qua kinh doanh, buôn bán thu lợi. Điều này không chỉ đi ngược với chủ trương mà còn ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông ở chính các khu vực đó khi biến nó thành địa điểm có nhiều xe cá nhân tìm tới.

Đ.Xá