Nhà phê bình, ông đang làm gì?
Câu hỏi này là câu hỏi của cuộc sống hôm nay trước tình hình văn nghệ nước nhà trong sự phát triển nhưng cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Ở bài viết này, người viết chỉ hữu hạn lại riêng trong lĩnh vực thi ca.
So với thuở bình minh “Thơ mới”, số nhà thơ bây giờ đã tăng lên theo cấp số nhân. Nhưng nhà phê bình thì hình như đốt đuốc tìm không thấy. Thời “Thơ mới”, chỉ cần một Hoài Thanh – Hoài Chân, gương mặt “Thơ mới” đã hiện lên góc cạnh và sáng láng. Hoài Thanh còn ngự trị lãnh địa phê bình qua trường kỳ kháng chiến, rồi chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, song hành cùng ông còn có những nhà thơ vừa làm thơ, vừa làm phê bình như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông… cho đến hôm nay, hình như chỉ còn những nhà thơ vừa làm thơ, vừa làm phê bình. Vậy nhà phê bình, ông đang làm gì?
Nhà phê bình bây giờ khác nhà phê bình xưa ở chỗ họ không tự phát mà có học vấn, bằng cấp hẳn hoi. Ai cũng kiêu hãnh đề trước tên mình những danh hiệu sáng choang. Nhưng hình như họ đi vào nghiên cứu, sưu tầm nhiều hơn. Họ tồn tại bằng những giá trị đã được định hình với cách đi sâu hơn, hoặc đánh bóng mạ kền công phu hơn. Hoàn toàn không thấy họ phát hiện ra nhân tài mới, hoặc phủ nhận những giá trị giả mà lâu nay được tôn thờ. Thêm nữa, để mưu sinh, họ đã dùng vị trí cố định của mình để tung hứng những kẻ nhiều tiền, háo danh, khoác lên họ tấm áo thi sĩ. Thực ra như thế là giết chết những kẻ đó. Không biết bao nhiêu kẻ như thế đã bị các nhà phê bình bây giờ giết chết bằng nụ cười rất “thị trường” của họ. Nhìn họ mới thấy tiếc vô cùng một Hoàng Ngọc Hiến – nhà nghiên cứu nhưng đồng thời là nhà phê bình xuất sắc trong những thập kỷ gần đây.
Với Nguyễn Minh Châu, ông viết “Đọc Nguyễn Minh Châu” với Lê Lựu, ông viết “Đọc Thời xa vắng của Lê Lựu”. Với Nguyễn Trọng Tạo, ông viết “Một nhà thơ cảm và luận văn chương”. Với Nguyễn Huy Thiệp, ông viết “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Với Nguyễn Khắc Trường, ông viết “Tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma thoát ra khỏi áp lực những bậc thầy, những lý luận kinh điển”. Với Bảo Ninh, ông viết “Những nghịch lý của chiến tranh”. Với Hoàng Trần Cương, ông viết “Những trầm tích tâm hồn, những trầm tích thơ”. Với Dạ Ngân, ông viết “Rộng lớn hơn đề tài gia đình”. Với Nguyễn Việt Hà, ông viết “Đọc Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà”. Với tôi, ông viết “Nụ cười người lính Thời máu xanh”. Từ khi có thơ in thành sách, tôi đã từng được các nhà thơ bạn bè viết về các tác phẩm của mình như: Nguyễn Trọng Tạo với “Tiếng chim phía trước”, Đinh Nam Khương với “Thành phố sóng nhà”, Trúc Thông với “Những giọt mưa đồng hành”, Chử Văn Long và Nguyễn Quân với “Mắt thời gian”, Lê Lưu Oanh với “Lúc ấy biển”, Hoàng Cầm với “Không mùa” và “Lửa trắng và ớt xanh”, Vân Long với “Mẹ cửa biển”, Thanh Thảo và Trịnh Thanh Sơn với “Thời máu xanh”, Hoài Anh và Trịnh Thanh Sơn với “Biệt trăm năm”, “Nguyễn Quang Thiều với “Nàng”… nhưng có được một bài viết của một nhà phê bình đích thực như Hoàng Ngọc Hiến thì quả thật đấy là một phần thưởng vô giá.
Tất nhiên, cũng có nhà phê bình viết về những nhà thơ, nhưng có lẽ là viết vì là tình thân chứ không phải viết với tư cách là một nhà phê bình chuyên nghiệp như Hoàng Ngọc Hiến. Tôi thật tiếc các nhà phê bình tài cao, học rộng nhưng lại chưa chủ động “hành đạo” bằng chính năng lực của mình mà lại đi làm những việc khác, kể cả việc “tung hô” một “tài năng ảo”. Không chỉ ở thơ, các ngành văn nghệ khác cũng đang bế tắc trong phê bình. Mới đây “Tạp chí Kiến trúc” đã phải ra hẳn một chuyên đề về thực trạng này. Tiền có thể mua được tất cả, nhưng không mua được tài năng. Tài năng là thiên phú. Nhà phê bình là người phát hiện ra tài năng chứ không thể tặng ai tài năng được.