Bệnh Alzheimer được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán sa sút trí tuệ Alzheimer (bệnh Alzheimer), các bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng và tiến hành một số xét nghiệm.
Chẩn đoán chính xác về bệnh Alzheimer là bước quan trọng đầu tiên để đảm bảo bạn có cách điều trị, chăm sóc, giáo dục gia đình và kế hoạch phù hợp cho tương lai.
Các dấu hiệu và triệu chứng sớm của bệnh Alzheimer
Các dấu hiệu và triệu chứng sớm của bệnh mất trí nhớ Alzheimer bao gồm:
• Suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như khó nhớ lại các sự kiện
• Khó tập trung, lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề
• Gặp những vấn đề với việc hoàn thành công việc hàng ngày tại nhà hoặc tại nơi làm việc
• Bối rối về địa điểm hoặc thời gian trôi qua
• Có khó khăn về thị giác hoặc không gian, chẳng hạn như không hiểu khoảng cách khi lái xe, bị lạc hoặc để quên đồ đạc.
• Các vấn đề về ngôn ngữ, chẳng hạn như khó tìm từ hoặc giảm từ vựng khi nói hoặc viết
• Kém phán xét trong các quyết định
• Rút khỏi các sự kiện công việc hoặc tương tác xã hội
• Những thay đổi về tâm trạng, như trầm cảm hoặc những thay đổi khác về hành vi và tính cách khác
Bệnh Alzheimer có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.
Khi các dấu hiệu cảnh báo về bệnh Alzheimer xuất hiện, thì việc được chẩn đoán nhanh chóng và chính xác là rất quan trọng.
Chẩn đoán bệnh Alzheimer
Để chẩn đoán bệnh Alzheimer, cần có sự phối hợp của bác si chăm sóc sức khỏe ban đầu, bác sĩ chuyên khoa thần kinh và bác sĩ chuyên khoa lão khoa để xem xét bệnh sử, tiền sử sử dụng thuốc và các triệu chứng. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành một số xét nghiệm.
Trong khi thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá:
• Bạn có bị suy giảm trí nhớ hoặc kỹ năng tư duy (nhận thức) không
• Bạn có biểu hiện những thay đổi về tính cách hoặc hành vi không
• Mức độ suy giảm hoặc thay đổi trí nhớ hoặc tư duy.
• Những vấn đề về tư duy ảnh hưởng như thế nào đến khả năng thực hiện các hoạt động sống hàng ngày
• Nguyên nhân gây ra các triệu chứng
Các bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung, chiếu chụp não hoặc gửi bạn đi khám trí nhớ. Những xét nghiệm này sẽ cung cấp các thông tin hữu ích để chẩn đoán, bao gồm cả việc loại trừ các tình trạng khác gây ra các triệu chứng tương tự.
Loại trừ các tình trạng bệnh khác
Các bác sĩ sẽ khám thực thể và kiểm tra xem bạn có mắc các tình trạng bệnh có thể gây ra hoặc góp phần vào các triệu chứng hay không, ví dụ như các dấu hiệu của cơn đột quỵ đã qua, bệnh Parkinson, trầm cảm hoặc các tình trạng bệnh khác.
Đánh giá các vấn đề về trí nhớ và các triệu chứng khác
Để đánh giá các triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn trả lời các câu hỏi hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kỹ năng nhận thức, chẳng hạn như trí nhớ, suy nghĩ trừu tượng, giải quyết vấn đề, sử dụng ngôn ngữ và các kỹ năng liên quan.
• Kiểm tra tình trạng tâm thần. Bác sĩ có thể tiến hành các bài test về trạng thái tâm thần để kiểm tra kỹ năng tư duy (nhận thức) và trí nhớ. Các bác sĩ sử dụng điểm số trên các xét nghiệm này để đánh giá mức độ suy giảm.
• Xét nghiệm tâm thần kinh. Bạn có thể được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh. Việc đánh giá có thể bao gồm các bài test mở rộng để đánh giá kỹ năng ghi nhớ và tư duy (nhận thức).
Những xét nghiệm này giúp xác định bạn có bị sa sút trí tuệ hay không, và liệu bạn có thể thực hiện một cách an toàn các công việc hàng ngày như lái xe và quản lý tài chính hay không. Chúng cung cấp nhiều thông tin về những gì bạn vẫn có thể làm cũng như những gì bạn có thể đã mất. Những xét nghiệm này cũng có thể đánh giá liệu trầm cảm có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hay không.
• Phỏng vấn bạn bè và gia đình. Các bác sĩ có thể hỏi người thân trong gia đình hoặc bạn bè của bạn về bạn và hành vi của bạn.
Họ sẽ tìm kiếm các chi tiết không phù hợp với mức độ chức năng cũ của bạn. Người nhà hoặc bạn bè của bạn thường có thể giải thích về kỹ năng tư duy (nhận thứ), khả năng đảm nhiệm vai trò và hành vi của bạn thay đổi theo thời gian như thế nào.
Một loạt các đánh giá lâm sàng, khám thực thể và bệnh cảnh (tuổi tác và thời gian các triệu chứng tiến triển) này thường cung cấp cho bác sĩ đủ thông tin để chẩn đoán bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, khi chẩn đoán chưa rõ ràng, các bác sĩ có thể cần yêu cầu các xét nghiệm bổ sung.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Bạn có thể nhận được các xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ những rối loạn khác gây ra một số triệu chứng tương tự như bệnh Alzheimer, chẳng hạn như rối loạn tuyến giáp hoặc thiếu vitamin B12.
Xét nghiệm hình ảnh não
Bệnh Alzheimer là kết quả của sự mất dần (thoái hóa) các tế bào não. Sự thoái hóa này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau trên phim chụp não.
Tuy nhiên, việc chụp não đơn thuần là không đủ để chẩn đoán. Chụp não thường không được sử dụng để chẩn đoán bệnh vì có sự trùng lặp giữa những thay đổi bình thường ở não go tuổi già và những thay đổi bất thường.
Tuy nhiên, hình ảnh chụp não có thể giúp:
• Loại trừ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như xuất huyết, u não hoặc đột quỵ
• Phân biệt giữa các loại bệnh thoái hóa não khác nhau
• Xác định ranh giới ban đầu về mức độ thoái hóa
Những công nghệ hình ảnh não thường được sử dụng nhất là:
• Chụp cộng hưởng từ (MRI). MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về bộ não.
• Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp CT sử dụng tia X để có được hình ảnh cắt ngang của bộ não.
• Chụp cắt lớp phát positron (PET). Chụp PET sử dụng chất phóng xạ được gọi là chất đánh dấu để phát hiện các chất trong cơ thể. Có nhiều loại chụp PET khác nhau, thường được sử dụng nhất là chụp FDG PET, có thể xác định các vùng não giảm chuyển hóa glucose. Mô hình thay đổi chuyên hóa có thể phân biệt giữa các dạng bệnh thoái hóa não khác nhau.
Chụp PET gần đây đã được phát triển để phát hiện các mảng bám protein amyloid, có liên quan đến bệnh Alzheimer, nhưng kiểu chụp PET này thường được sử dụng trong môi trường nghiên cứu.
Lợi ích của chẩn đoán sớm
Miễn cưỡng đi khám bác sĩ khi bạn hoặc một thành viên trong gia đình có vấn đề về trí nhớ là điều dễ hiểu. Một số người che giấu các triệu chứng của họ, hoặc người nhà che giấu họ. Điều này rất dễ hiểu, bởi vì bệnh Alzheimer thường đi kèm với những mất mát, chẳng hạn như mất sự độc lập, mất quyền lái xe và mất chính mình. Nhiều người có thể tự hỏi liệu việc chẩn đoán có ích lợi gì không khi không có cách chữa khỏi bệnh.
Đúng là nếu mắc bệnh Alzheimer hoặc bệnh liên quan, các bác sĩ không thể chữa khỏi được. Nhưng được chẩn đoán sớm có thể mang lại lợi ích. Biết rằng mình có thể làm gì cũng quan trọng như biết rằng mình không thể làm gì. Nếu một người bị một bệnh lý khác có thể điều trị gây ra suy giảm nhận thức hoặc làm cho sự suy giảm phức tạp thêm, thì các bác sĩ có thể bắt đầu điều trị.
Đối với những người bị bệnh Alzheimer, các bác sĩ có thể cung cấp các biện pháp can thiệp bằng thuốc và không dùng thuốc để giảm bớt gánh nặng bệnh tật. Bác sĩ thường kê đơn thuốc có thể làm chậm suy giảm trí nhớ và các kỹ năng nhận thức khác. Người bệnh cũng có thể được tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể hướng dẫn cho người bệnh và người chăm sóc về các chiến lược để cải thiện môi trường sống, thiết lập nề nếp sinh hoạt, lập kế hoạch hoạt động và quản lý những thay đổi về kỹ năng để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống hàng ngày.
Quan trọng hơn, chẩn đoán sớm cũng giúp người bệnh, gia đình và người chăm sóc người bệnh lên kế hoạch cho tương lai. Người bệnh sẽ có cơ hội đưa ra quyết định sáng suốt về một số vấn đề, chẳng hạn như:
• Các dịch vụ và nguồn lực tài nguyên phù hợp ở cộng đồng
• Các lựa chọn chăm sóc tại nhà và tại cơ sở chăm sóc
• Các kế hoạch xử lý những vấn đề tài chính
• Kỳ vọng cho các quyết định chăm sóc và y tế trong tương lai
Khi một bác sĩ nói với bạn và người thân của bạn về chẩn đoán bệnh Alzheimer, họ sẽ giúp bạn hiểu về bệnh Alzheimer, trả lời các câu hỏi và giải thích những gì có thể diễn ra. Các bác sĩ sẽ giải thích về những năng lực được bảo tồn và làm thế nào để hạn chế ràn phế trong tương lai, và tìm cách để giữ cho bạn khỏe mạnh và an toàn nhất có thể với sự gián đoạn ít nhất trong các hoạt động hàng ngày.