Kiểm soát kỹ nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu
Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Chăn nuôi diễn ra chiều 7/11, bà Nguyễn Thị Kim Bé (ĐBQH Đoàn Kiên Giang) đề nghị, những sản phẩm thức ăn từ nước ngoài nhập về phải được kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bà Bé cũng đề nghị cấm các hành vi nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có chứa chất cấm, thực phẩm biến đổi gen. Bởi trước đây việc nhập khẩu ốc bươu vàng về để làm thức ăn đã phá hoại hoạt động sản xuất của người nông dân, phá hoại đồng lúa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.
Ngành chăn nuôi nước ta tuy có tốc độ phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhỏ lẻ. Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu lên khi thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Chăn nuôi diễn ra chiều 7/11.
Vấn đề được các ĐBQH quan tâm chính là cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi...Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi; luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi đã được kiểm nghiệm, thực hiện ổn định trong thực tế; quy định yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường.
Cấm sử dụng kháng sinh nhằm mục đích tăng trưởng
Đối với quy định về khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, theo ông Phan Xuân Dũng: Dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng chỉ khảo nghiệm đối với thức ăn chăn nuôi lần đầu được nhập khẩu, thức ăn sản xuất trong nước có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm; doanh nghiệp tự khảo nghiệm tại các cơ sở khảo nghiệm đủ điều kiện theo quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng thức ăn do mình sản xuất.
“Trước một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa các quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với quy định của pháp luật về thú y, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa, đồng thời quy định nghiêm cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, cũng như cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng”-ông Dũng cho hay.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị những sản phẩm thức ăn từ nước ngoài được nhập về trong nước phải được kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật trong nước. Bà Bé cũng đề nghị cấm các hành vi nhập khẩu, các sản phẩm chăn nuôi có chứa chất cấm, thực phẩm biến đổi gen. “Bởi như vừa qua việc nhập khẩu ốc bươu vàng về để làm thức ăn đã phá hoại hoạt động sản xuất của người nông dân, phá hoại đồng lúa. Vì vậy cần bổ sung việc cấm nhập khẩu vật nuôi gây tác hại tới môi trường sản xuất, môi trường sống”-bà Bé cho hay.
Theo ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An), trong các hành vi bị nghiêm cấm cần bổ sung thêm hành vi cấm nhập gia súc, gia cầm già bị thải loại ở nước ngoài về trong nước; đồng thời nghiêm cấm bơm nước vào vật nuôi trước khi giết mổ. Còn ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) thì đề nghị, cấm vận chuyển, mua bán động vật nuôi bị dịch bệnh sang vùng lân cận để tiêu thụ. Từ đó khiến dịch bệnh lây lan và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quy hoạch vùng chăn nuôi để tránh thừa-thiếu
Dẫn chứng tình trạng “được mùa mất giá” khiến nông dân điêu đứng trong thời gian qua, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, Nhà nước cần có chính sách cho hộ kinh doanh theo chuỗi nhỏ lẻ, có chính sách quy hoạch và sản phẩm chăn nuôi của vùng và tỉnh để ngăn chặn tình trạng tự phát gắn với thị trường để có chuỗi giá trị. Bà Ry nhìn nhận: “Cần quan tâm cải tạo các cơ sở phòng thí nghiệm, giống vật nuôi phù hơp với từng vùng miền, có cơ chế chính sách cho nông dân khởi nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Có như vậy mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.
Trong khi đó, ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chăn nuôi giống, nhất là sau khi vừa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.