Thách thức về nguồn nhân lực

Duy Phương 09/11/2018 08:00

Sau nhiều nỗ lực của các nước thành viên, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2018. Giới chuyên gia nhận định, đây là hiệp định có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, song, điều quan trọng là chúng ta sẽ tận dụng được những cơ hội ra sao.

Tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Nói về triển vọng kinh tế, giới chuyên gia cho rằng, theo nhiều tính toán, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ những băn khoăn về vấn đề nguồn nhân lực. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, có nhiều cơ hội khi tham gia CPTPP, nhưng thách thức cũng không hề ít. Đặc biệt là vấn đề về nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực cũng như hệ thống đào tạo giáo dục chưa có sự chuyển đổi một cách tích cực sẽ rất khó cho chúng ta khi CPTPP có hiệu lực thực thi. Theo ông Quân, mặc dù thời gian qua, chúng ta đã và đang có những động thái để đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập. Song, thực chất vẫn chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Chẳng hạn vấn đề chúng ta phải đối mặt là chất lượng nhân lực thông qua ý thức, thông qua năng suất, khả năng tiếp cận với thị trường lao động thế giới. “Khi chúng ta hội nhập, việc di chuyển, dịch chuyển lao động là một trong những thực tế chúng ta phải đối mặt. Vậy khả năng của nguồn nhân lực Việt Nam trong việc tham gia thị trường lao động quốc tế đã có chưa? Câu trả lời là chưa. Và đó chính là thách thức mà tôi chưa thấy có giải pháp rõ ràng để giải quyết nó” – ông Quân nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, vị chuyên gia đánh giá cao việc nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nâng cao đội ngũ nhân lực của mình bằng cách đưa các nhân viên sang nước ngoài để học tập. “Thế nhưng không ít doanh nghiệp đang có tư tưởng rằng, thà không đưa người đi đào tạo ở nước ngoài, vì cứ đi là mất. “Tôi cho đây là cách tính toán sai lầm, theo kiểu thà chấp nhận yếu kém còn hơn là phải đương đầu với thử thách. Cần phải thay đổi các tư duy này nếu không chúng ta sẽ không thể hội nhập” – PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.

Duy Phương