Ngọc Jiu Art: Bài học đầu tiên và cuối cùng là học cách bộc lộ bản thân
Tôi thích gọi nữ hoạ sĩ Đặng Thảo Ngọc là Ngọc Jiu. Không phải vì cô là chủ nhân của Trung tâm hội hoạ Jiu Art có tiếng, nơi cô truyền tình yêu hội hoạ theo một cách riêng và chuyên nghiệp cho những ai đến đây học vẽ. Tôi thích gọi là Jiu bởi cô bé nhỏ như một hạt đậu đen, với đôi mắt luôn sáng bừng lên lấp lánh. Cuộc trò chuyện thú vị với Ngọc Jiu này diễn ra ngay tại cuộc triển lãm tháng 10 khá ấn tượng với tên gọi “Riding Dream”.
“Riding Dream”.
PV: Ba cuộc triển lãm cá nhân trong tròn một thập kỷ: "Đô thị trẻ" năm 2008, "In&Out" năm 2011 và "Riding Dream" tháng 10/2018 này, Ngọc có thể chia sẻ một chút về con đường nghệ thuật của mình trong 10 năm qua?
Hoạ sĩ Đặng Thảo Ngọc: Con đường nghệ thuật của tôi chính là sự phản ánh những va đập của cuộc sống hàng ngày. Tôi quan niệm nghệ thuật chính là góc nhìn của người nghệ sĩ về những trải nghiệm của họ được bộc lộ qua tác phẩm, vì thế những tác phẩm của mình cũng cùng với tôi chuyển từ một cô gái sang một người mẹ trẻ và giờ đã là một người phụ nữ với nhiều thay đổi về cả sự lắng đọng.
Có những sự gạch nối tiếp biến trong ba triển lãm cá nhân của Ngọc không? Đó là những gạch nối gì?
- Gạch nối tiếp biến trong cả quá trình có lẽ là việc mong muốn được vẽ, vẽ về những suy nghĩ của mình như một cách nuông chiều bản thân. Vì khi một người nghệ sĩ muốn được lao động nghề nghiệp thì đó là điều tự nhiên thôi thúc từ bên trong. Các câu chuyện trong cả 3 giai đoạn sáng tác của tôi đều xoay quanh những con người xung quanh mình với đời sống của họ. Chúng như những trang nhật ký bằng hình ảnh hiện hữu nhắc mình nhớ đến mỗi khi nhìn lại.
Ngọc có thể chia sẻ một chút về thông điệp ở hai triển lãm trước. Ở đó Ngọc đã kể những câu chuyện gì? Tôi nhớ hồi đó Ngọc còn rất trẻ?
- Đúng vậy, lúc đó tôi trẻ và cũng nhiều bỡ ngỡ khi bắt đầu một cuộc sống riêng. Tôi mong muốn những thứ không thuộc về mình, tôi quan tâm đến xã hội với nhiều mối quan hệ giữa các thế hệ.
Thế còn câu chuyện Ngọc kể trong triển lãm lần này? Hẳn nó phải có gì đặc biệt hơn, khác biệt hơn với những câu chuyện Ngọc đã kể trước đó?
- Thực ra câu chuyện của lần này không có quá nhiều khác biệt, vẫn là những người phụ nữ xuất hiện. Cái khác có chăng là bản thân họ đã tìm lại được những giấc mơ giấu kín vì nhiều lý do. Đôi khi cuộc sống đời thường làm họ quên mất họ cũng là một thực thể trong vũ trụ của khổ đau và hạnh phúc. Họ đã biết làm gì để mình vui hơn hạnh phúc hơn thay vì việc loay hoay với những cảm xúc xung quanh mình.
Tranh của Ngọc đậm đặc tính nữ. Hình ảnh người phụ nữ xuyên suốt trong sáng tác của Ngọc, và duy nhất lại là nữ? Tại sao vậy?
- Thực ra điều này cũng đúng lẽ tự nhiên thôi, tôi là phụ nữ, sống là một người mẹ, nên đó là bản năng. Tôi không quan trọng việc nhân vật của mình là nữ hay nam lắm vì đôi khi tôi vẽ một khuôn mặt của nam, ánh mắt hay bàn tay... hoàn toàn không phải phụ nữ. Tôi chỉ muốn các nhân vật trong tranh của mình có đời sống và tình cảm thế thôi.
Nếu tôi nói, tôi có cảm giác tranh Ngọc như những chương nhật ký nối dài, ở đó duy nhất Ngọc bước vào tranh và chị đang bay lượn trong thế giới của chính mình? Ngọc sẽ thấy sao?
- Dạ, điều này tương đối đúng, vì rõ ràng mỗi một người nghệ sĩ sáng tạo sẽ lại có tư duy và phù hợp với một cách biểu đạt, mà trong quá trình tìm tòi và làm việc, cảm nhận sẽ dẫn dắt. Tôi bị hấp dẫn bởi những miên man của cái nhịp sống, mỗi ngày đến và đi đều là một sự xoay chuyển của ta, có thể điều này khiến tôi nảy ra nhiều ý tưởng và tôi ghi lại theo cách của mình.
Sáng tác mãi về một đề tài, một chủ thể sáng tạo, Ngọc không sợ những sự lặp lại nhàm chán? Họa sĩ có nhất thiết phải trung thành với một mảng đề tài trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình? Hay họ sẽ phải mở biên độ ra ở nhiều đề tài khác?
- Đây là một câu hỏi thú vị thưa chị bởi nó cũng chính là câu trả lời rồi.
Theo tôi sự sáng tạo nó nhiều bất ngờ, nó là cả quá trình rèn luyện tư duy của từng người nghệ sĩ, họ không nên bó buộc vào bất kỳ điều gì, nên là như vậy để tìm ra bản ngã của mình thật sâu hơn nữa. Nghệ sĩ thì nên chán mình và hãy lao động để thoát ra điều đó. Có thể một ngày kia, tôi sẽ vẽ khác nhưng những cái khác đó sẽ phản ánh sự thay đổi của cảm nhận của mình mà thôi.
Họa sĩ Đặng Thảo Ngọc.
Quay trở lại một thập kỷ cho ba triển lãm đầy đặn, người nghệ sĩ khi chinh phục xong một "đỉnh núi" này, Ngọc sẽ “đi đâu”?
- Tôi nghĩ con đường mình đi sẽ luôn luôn gợi mở nhiều điều bất ngờ, tôi sẽ chẳng “đi đâu” mà sẽ đón nhận mọi thứ một cách bình tĩnh và bộc lộ bằng những tác phẩm mới. Khi vẽ tôi chỉ nghĩ mình vẽ là vì mình muốn thế, thế thôi.
Một câu hỏi về Jiu Art. Chị là người sáng lập ra trung tâm này, ở đó không đơn thuần là dạy vẽ mà là truyền tình yêu hội hoạ, những kiến thức về hội hoạ cũng như lịch sử hội hoạ trong nước và thế giới. Vì sao chị lại có tham vọng mang hội họa tới cộng đồng? Trong khi nếu dễ hơn như phần lớn các lò dạy vẽ cho trẻ em, chỉ cần dạy vẽ là được?
- Tôi thấy giáo dục nghệ thuật là một vấn đề cần được thay đổi tại thời điểm hiện tại vì một đứa trẻ có thể tìm thấy ước mơ mà nó muốn trở thành chỉ khi nó được dạy điều đó. Và nghệ thuật chính là ngôn ngữ giúp con người chúng ta gần nhau hơn. Thầy trò hay bố mẹ con cái sẽ tìm được một cách giao cảm. Tôi đã từng cảm thấy trẻ em Việt hiện giờ bị cô lập và phải đối mặt với quá nhiều áp lực, không ai dạy chúng bộc lộ bản thân một cách tích cực thông qua nhiều điều thú vị từ hội hoạ. Nên tôi có tham vọng này khi thành lập lớp vẽ cho trẻ em nay là cả người lớn cách đây 5 năm. Tôi cho rằng người vẽ là người phải có kiến thức và tư duy hội hoạ chứ không phải chỉ giải quyết vấn đề bề mặt. Chỉ có thế mới học được lâu và coi nghệ thuật là một phần trong cuộc sống của mình. Khi đó biết đâu chính bọn trẻ ấy sẽ là một thế hệ mang đến luồng gió mới cho nghệ thuật Việt Nam trong tương lai.
Jiu Art có sự hậu thuẫn vững chãi mà không một trung tâm nào có được. Rõ ràng chị là con gái của một ông bố họa sĩ rất nổi tiếng Đặng Xuân Hòa? Mẹ chị, hoạ sĩ Đỗ Thuý Hằng - cũng là họa sỹ tốt nghiệp mỹ thuật Yết Kiêu, và chồng chị là võ sư, họa sĩ Tạ Đình Khiêm? Đấy là chưa nói đến bố mẹ chồng chị cũng từng được đào tạo ở trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu ra. Với một sự hậu thuẫn về gia thế khủng như vậy, làm gì mà chẳng thuận lợi.
- Tôi luôn coi đó là một sự hậu thuẫn nhưng không bao giờ coi đó là một sự quảng cáo cho việc hình thành lớp. Khi đến lớp của tôi tất cả học viên đều bình đẳng với nhau và với mình. Khi đó chỉ có những bài học còn lại để kết nối chúng tôi. Tôi tự cho mình là người thẳng thắn và không thích sự ưu ái nên tôi cũng áp dụng như thế với tất cả các lớp học của mình. Tôi thích mọi thứ thật tự nhiên từ cả 2 phía. Hội hoạ sẽ là cầu nối gắn kết chúng tôi.
Bài học đầu tiên và bài học cuối cùng Jiu Art dạy cho các học viên khi đến và rời trung tâm là gì?
- Bài học đầu tiên và cuối cùng chính là học cách tìm ra cách bộc lộ bản thân mình. Hãy tin rằng mình làm được điều đó, mỗi người sẽ rất khác nhau, và phải cảm thấy vui mừng vì điều đó.
Trân trọng cảm ơn chị.
Có gen nghệ thuật từ bố hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà và mẹ Đỗ Thuý Hằng, 9 tuổi Đặng Thảo Ngọc đã giành giải "Grand Prize" cuộc thi Nhật kí bằng tranh phạm vi châu Á tổ chức tại Tokyo Nhật Bản do hãng Mitsubishi tổ chức. 20 tuổi, cô là sinh viên Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, và từng giành giải tư cuộc thi "Ánh mắt trẻ" của Đại sứ quán Pháp. Cô liên tiếp góp mặt trong bốn triển lãm nhóm. Đó là cuộc trưng bày tại bảo tàng Cahors (Pháp) năm 2004 đến triển lãm “Nửa năm” tại gallery Đông Phong năm 2006. Hay tham dự triển lãm “Bên kia” tại Maison De Arts năm 2006 đến cuộc gặp gỡ “Phụ nữ vẽ - vẽ về phụ nữ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2007. Sau triển lãm cá nhân đầu tiên đầy ấn tượng vào năm 2008 có tên "Đô thị trẻ", đến nay, trong 10 năm qua Ngọc đã tạo được dấu ấn cá nhân của riêng mình, định hình được một gương mặt riêng của thế hệ họa sĩ đương đại với cá tính khá độc đáo, bền vững. |