Lựa chọn cán bộ
Lâu nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ là phải lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm những người có tài, có đức. Song, trên thực tế vẫn có không ít trường hợp nâng đỡ người thân, “cánh hẩu” vào những vị trí quan trọng, chủ chốt để xây dựng bè cánh, nhóm lợi ích, dù họ không có tài, cũng chẳng có đức. Đó là lý do mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần yêu cầu siết chặt công tác cán bộ.
Từ vun vén cho gia đình
Trong thời gian qua, có không ít cán bộ lãnh đạo trẻ vốn là “con ông cháu cha” đã bị xử lý kỷ luật do được đề bạt không đúng qui trình, hoặc có những sai phạm khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Có được bước chuyển biến tích cực đó là nhờ sự vào cuộc rốt ráo của UBKT Trung ương, chỉ ra những sai phạm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tổ chức cán bộ, buộc những đơn vị sai phạm phải thu hồi, hoặc hủy bỏ quyết định bổ nhiệm cán bộ trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc xử lý triệt để những trường hợp bè phái, nâng đỡ người thân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước.
Có thể đơn cử ngay một trường hợp thăng tiến thần tốc, đó là Lê Phước Hoài Bảo (con trai ông Lê Phước Thanh, từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) dưới sự nâng đỡ của cha đã có sự thăng tiến thần tốc trên quan lộ. Tháng 2/2014, khi đang là Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư (thuộc BQL Khu kinh tế mở Chu Lai), Lê Phước Hoài Bảo được UBND tỉnh Quảng Nam điều động về công tác tại UBND huyện Thăng Bình, tới ngày 14/3/2014 được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình. Sau một năm, Lê Phước Hoài Bảo được UBND tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, và chỉ 5 tháng sau được bổ nhiệm Giám đốc.
Mới 30 tuổi, Lê Phước Hoài Bảo đã đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam, trẻ nhất cả nước từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm lãnh đạo trẻ không phải là vấn đề, mà vấn đề là việc thăng tiến nhanh trên đường quan lộ có phải nhờ vào tài năng và phẩm chất của những người trẻ tuổi đó hay không? Đáng tiếc, vào thời điểm đó Bộ Nội vụ đã thành lập đoàn kiểm tra nhưng lại kết luận việc bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo “đúng quy trình”. Sau đó UBKT Trung ương vào cuộc, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với Lê Phước Hoài Bảo. Bản thân ông Lê Phước Thanh cũng bị Ban Bí thư cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015.
Đến nâng đỡ không trong sáng
Chắc hẳn chưa ai quên sự kiện Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ (trong Đảng và Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa) vì đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh. Theo kết luận của UBKT Trung ương, từ nhân viên hợp đồng ở một đơn vị sự nghiệp, Trần Vũ Quỳnh Anh được ông Ngô Văn Tuấn tiếp nhận về làm công chức chuyên môn của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Trong một thời gian rất ngắn, Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm thần tốc làm Phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng và được đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Tuy nhiên, khi có dư luận bức xúc với việc thăng tiến quá nhanh của hot girl này, BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chỉ kỷ luật ông Tuấn ở mức khiển trách, còn Trần Vũ Quỳnh Anh thì “cao chạy xa bay” ra nước ngoài.
Hay như trường hợp tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng vi phạm hàng loạt các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cơ quan chức năng kết luận, với tư cách Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước nên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn, đồng thời Trịnh Xuân Thanh cũng không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận của Bộ Chính trị. Song, các cơ quan chức năng vẫn làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang là trái quy định. Do vậy, Trịnh Xuân Thanh không chỉ bị cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, mà còn bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không ít địa phương có biểu hiện bè phái, nâng đỡ người thân quen, hoặc chạy chọt tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ, không chỉ tạo thêm cho gánh nặng ngân sách nhà nước, mà còn khiến công việc bị đình trệ. Chẳng thế mà dư luận từng “sôi lên” khi nghe thông tin tại Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương trong tổng số 46 biên chế thì có tới 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó trưởng phòng trở lên, còn lại có hai người là nhân viên. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã phải thốt lên, ở một sở mà có tới 44 lãnh đạo như vậy là không thể chấp nhận được, trong khi lãnh đạo Hải Dương lại “không hề hay biết gì” cho đến khi báo chí lên tiếng. Và tất nhiên, việc bổ nhiệm sai đó phải khắc phục bằng việc người được bổ nhiệm tự xin rút hoặc cơ quan có thẩm quyền buộc phải hủy các quyết định bổ nhiệm trái quy định.
Hệ lụy khôn lường
Còn vô số các ví dụ điển hình về việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ không đúng với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mà bài viết chưa liệt kê hết. Song, một vài ví dụ trên cũng đủ cho thấy tác hại to lớn của việc bổ nhiệm sai cán bộ.
Vua có minh thì tôi mới hiền, đó là chân lý được đúc rút từ hàng nghìn năm qua. Chiếu vào thực tế công tác cán bộ hiện nay, để việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đúng người có tài, có đức thì cần cả những người lãnh đạo có tâm, có tầm, quan trọng hơn là phải thực hiện đúng các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách chuẩn mực. Khi mà người lãnh đạo thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ với mục đích xây dựng bè cánh, nhóm lợi ích, vun vén cho người thân trong gia đình và cánh hẩu thì không chỉ khiến dư luận xã hội “dậy sóng”, mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng, tiêu cực. Muốn phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững thì không gì khác hơn là phải siết chặt hơn nữa công tác cán bộ, chọn cho được người tài đức. Ngược lại, chính những cán bộ thiếu tài, thiếu đức sẽ là những trở lực cho phát triển.