‘Làm sao để con em chúng ta không phải rời bỏ làng quê...’
Đó là chia sẻ của ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn Mễ Hạ, xã Yên Khang, huyện Ý Yên (Nam Định) tổ chức ngày 11/11.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu với bà con Yên Khang.
Theo ông Cao Đức Phát, qua 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của số đông nông dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cải thiện. Đến nay, cả nước đã có gần 3.600 xã (chiếm gần 40%), 55 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, tỉnh Nam Định là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả thực hiện, với gần 100% số xã, 5/9 huyện đã đạt chuẩn.
Với xã Yên Khang và thôn Mễ Hạ nói riêng, tuy có những khó khăn riêng nhưng mấy năm qua đã làm được nhiều việc quan trọng. Từ nhiều nguồn lực trong đó có nguồn đóng góp của nhân dân, nhiều tuyến đường, tuyến kênh mương của xã, của thôn đã được kiên cố hóa; hệ thống điện, nước sạch, trường học, trạm xá, nhà văn hóa... đều đã được nâng cấp...
Tuy vậy, theo ông Cao Đức Phát, xã Yên Khang vẫn còn nhiều việc phải làm. “Chúng ta đã trăn trở trong nhiều năm về hướng đi trong phát triển kinh tế, làm giàu ngay tại quê hương. Đây là nội dung chính của xây dựng nông thôn mới. Trước đây giao thông còn khó khăn nhưng bây giờ nhìn về hướng Đông, chúng ta có đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình; nhìn về hướng Bắc chúng ta có đường sắt Bắc - Nam; ở phía Đông chúng ta gần tuyến đường nối với vùng kinh tế biển đang được tỉnh triển khai. Đây là lợi giao thông thế hiếm có, chúng ta phải sớm phát huy được lợi thế này!”, ông nhìn nhận.
Theo Phó Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, với lợi thế đó, về lâu dài địa phương phải phải kêu gọi được các doanh nghiệp về đầu tư làm ăn trên địa bàn xã.
“Họ sẽ giúp con em chúng ta có việc làm; nộp ngân sách cho địa phương. Nếu được như vậy, thay bằng việc phải bỏ làng, đổ về thành phố tìm kiếm việc làm, với đồng lương cũng chỉ vài triệu đồng/tháng nhưng phải thuê nhà và bao nhiêu thứ chi tiêu khác con em chúng ta sẽ có việc làm ngay tại đây, được ở gần người thân của mình...”, ông nói.
Ông Cao Đức Phát gợi ý: “Tôi đã đi khắp nước Việt Nam, nhiều năm nay thường nghĩ xem cây trồng gì phù hợp với đồng đất Yên Khang? Tôi cũng đã mời các nhà khoa học về lấy mẫu đất của quê ta mang đi phân tích. Qua nghiên cứu, phân tích thì thấy với đặc điểm đất chua, thỉnh thoảng lại bị ngập, địa phương nằm không xa biển, phải chịu ảnh hưởng của bão gió thì cây ổi, với đặc điểm dẻo dai, đang có thị trường tốt là phù hợp hơn cả. Đề nghị cán bộ, bà con nông dân địa phương bàn nhau, triển khai thí điểm chuyển đổi trồng cây ổi...”.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương: “Chúng ta làm lúa rất giỏi rồi nhưng nếu chỉ dừng lại ở trồng lúa thì không thoát nghèo được, như bà con Mễ Hạ giờ thu nhập bình quân đầu người mới được 13 triệu đồng/năm thì thấp quá. Không thay đổi, không chuyển đổi thì con em chúng ta sinh ra, lớn lên lại tiếp tục phải rời bỏ làng quê thôi!”.
Người dân thôn Mễ Hạ chung vui văn nghệ trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.
Nhân có Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Trần Văn Chung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan cùng tham dự, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Nam Định xem xét bổ sung xã Yên Khang vào quy hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp ven sông Đáy vì vì xã đang có lợi thế lớn về giao thông. Đồng thời đề nghị tỉnh lựa chọn xã Yên Khang để chỉ đạo thực hiện thí điểm chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa...
Được biết, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát là người quê xã Yên Khang.
Trước đó, thông tin về tình hình địa phương, ông Nguyễn Tiến Đoàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Mễ Hạ cho biết, thôn có 152 hộ, hơn 500 nhân khẩu, có hơn 40 ha đất canh tác. Những năm qua, mặc dù đời sống kinh tế-xã hội của thôn đã có nhiều sự thay đổi, phát triển nhưng vẫn gặp một số khó khăn do các hộ trong thôn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, ngành nghề phụ kém phát triển. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn mới chỉ đạt 13 triệu đồng/năm...