Thống nhất tên gọi các cấp học phổ thông

Mạnh Dũng 13/11/2018 08:30

Mới đây, trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng một chương, một mục và 7 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng một chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm).

Trước những ý kiến đóng góp về sự thống nhất tên gọi các cấp học giáo dục phổ thông (GDPT) hiện nay, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết Luật Giáo dục năm 1998 được đã quy định hệ thống giáo dục quốc dân gồm: giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; GDPT có 2 bậc học là bậc tiểu học và bậc trung học; bậc trung học có 2 cấp học là cấp trung học cơ sở (THCS) và cấp trung học phổ thông (THPT). Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp tiểu học, bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT...

Luật Giáo dục năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; GDPT có tiểu học, THCS, THPT... Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT…

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tên gọi các cấp học GDPT của các quy định nêu trên cũng phù hợp với tên gọi của các nước trong khu vực và quốc tế như: Thái Lan, giáo dục cơ bản gồm 6 năm tiểu học và 6 năm trung học (3 năm THCS và 3 năm THPT); Trung Quốc, giáo dục phổ thông bao gồm bậc tiểu học, bậc THCS, bậc THPT; Hàn Quốc gồm tiểu học, trung học; tại Anh, giáo dục phổ thông được chia thành: giáo dục tiểu học; giáo dục trung học. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị được giữ như quy định của Luật Giáo dục hiện hành về tên gọi các cấp học của giáo dục phổ thông, để khi cấp văn bằng đảm bảo tính hội nhập, phù hợp và thống nhất với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT, Ban soạn thảo đã sửa đổi khoản 3 Điều 32 và khoản 3 Điều 43 của Dự thảo Luật theo hướng: Học sinh, học viên học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở GDĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT; được hiệu trưởng nhà trường hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT nếu có nhu cầu.

Đối với việc tạo điều kiện cho người có bằng tốt nghiệp THCS đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT được dự tuyển và học lên trình độ CĐ, hiện nay đã được quy định tại khoản 3 Điều 120 của Dự thảo Luật.

Mạnh Dũng