Xã Gia Tân 2, Huyện Thống Nhất, Đồng Nai: Khởi sắc thêm nhờ nuôi heo VietGAHP
Khi tham gia vào dự án LIFSAP triển khai chăn nuôi theo mô hình VietGAHP, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai, đã có nhiều chuyển biến tốt về kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, hiện cũng còn một số khó khăn trong việc triển khai mở rộng mô hình này ở đây.
Ông Lã Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2.
Nhiều chuyển biến tích cực
Ông Lã Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai là người đã theo và hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi heo từ những ngày đầu khi dự án LIFSAP được triển khai tại địa phương đến nay.
Ông cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 2 mô hình Hợp tác xã (HTX), 1 HTX chăn nuôi và môi trường, và 2 HTX thiết bị văn phòng phẩm. 2 HTX này góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Năm 2017, HTX chăn nuôi và môi trường được Phòng NN&PTNT huyện Thống Nhất tư vấn hướng dẫn thực hiện nhận gói hỗ trợ Hệ thống kho lạnh cho điểm bán thịt sạch.
UBND xã Gia Tân 2 đã đăng ký tạo điều kiện cho HTX này được hỗ trợ xây dựng mặt hàng thịt heo sạch theo tiêu chuẩn VietGAHP. Đầu năm 2018, HTX này đã được bàn giao các trang thiết bị trên phục vụ cho điểm bán thịt sạch. Hiện nay, điểm bán thịt sạch đã được dời về khu vực được đầu tư đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho gian hàng thịt sạch của HTX.
Cũng theo ông Hùng, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai, hiện có 9 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi heo theo mô hình VietGAHP hoạt động hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án LIFSAP của tỉnh Đồng Nai, cùng với sự phối hợp của Ban vận động xã, các Tổ trưởng THT, tinh thần hưởng ứng cao của các hộ dân chăn nuôi trong việc thực hiện tốt quy trình Viet GAHP được thể hiện qua việc tổ chức các buổi tập huấn, đầu tư hỗ trợ trang thiết bị chăn nuôi cho người dân, đến nay đã có 6 THT được chứng nhận Viet GAHP.
Các THT này đã ký kết hợp đồng bán heo cho Công ty Anh Hoàng Thy, Công ty Thy Thọ. Còn lại một số THT chăn nuôi GAHP 2 khu LPZ, xã đang vận động các thành viên lắp đặt hầm biogas để hoàn thiện các tiêu chí quy trình VietGAHP. Sau đó, sẽ kiện toàn lại tổ, loại bỏ những thành viên không muốn tham gia THT, chuẩn bị hồ sơ đánh giá chứng nhận Viet GAHP cho tổ trong năm 2018.
Đầu năm 2018, THT chăn nuôi GAHP 1 khu LPZ đã được bàn giao nhận gói hỗ trợ con giống gồm 60 con heo nái bố mẹ của Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi heo Bình Thắng, 1 máy trộn cám ép viên sấy khô, máy ép phân hệ thống xử lý môi trường…
UBND xã Gia Tân 2 đã phối hợp cùng Ban quản lý Dự án LIFSAP tỉnh Đồng Nai, Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT huyện Thống Nhất, các phòng ban liên quan tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi, thành viên THT chăn nuôi về quy trình chăn nuôi an toàn trong nông hộ. Đồng thời triển khai mở rộng mời các trang trại chăn nuôi trong địa bàn xã tham dự các lớp tập huấn áp dụng quy trình GAHP.
Ngoài ra, hàng năm, dự án này còn xây dựng kế hoạch mở lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các tổ trưởng THT, HTX, cán bộ thú y; tập huấn, đào tạo cán bộ về tác động môi trường của sản xuất chăn nuôi, quản lý chất thải. Hiện nay, ở xã đã có một điểm giết mổ tập trung theo quy trình VietGAHP đạt số lượng 200 con heo/ ngày, đêm.
Vẫn còn những trở ngại
Ông Trần Hữu Trung- Tổ trưởng THT GAHP 2, xã Gia Tân 2, Thống Nhất, Đồng Nai, cho biết: Nhờ có dự án LIFSAP triển khai mô hình chăn nuôi Viet GAHP tại địa phương đã giúp tạo công ăn việc làm thêm cho người dân, đặc biệt là những hộ dân không có hoặc ít đất trồng trọt, những hộ dân có người lớn tuổi, nông nhàn, tạo thêm thu nhập cho họ.
Dự án giúp cung cấp nguồn thịt sạch một cách tự chủ, được hỗ trợ máy móc, đặc biệt nhất là giúp người dân thay đổi tư duy chăn nuôi, biết phòng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, mang lại lợi nhuận. Dự án giúp hỗ trợ về con giống giúp thay đổi con giống cho các hộ chăn nuôi, con giống của dự án có nhiều đặc tính tốt, rút ngắn thời gian chăn nuôi, 180 ngày là xuất chuồng, giúp người nuôi bán heo sớm.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, vẫn còn một số khó khăn, trở ngại như: Giá heo VietGAHP bán ra còn thấp; con heo xấu thì bên công ty thu mua không mua, gây thiệt thòi cho người chăn nuôi. Ngoài ra, còn có một số mặt hạn chế khi triển khai mô hình VietGAHP tại đây. Đó là: Trình độ chênh lệch giữa các THT khiến cho việc liên kết các tổ còn gặp nhiều khó khăn. Các THT trồng trọt chưa thực hiện được liên kết chuỗi cung ứng rau cho các doanh nghiệp, chủ yếu bán nhỏ lẻ tại các chợ do sản xuất manh mún, không đạt tiêu chuẩn của VietGAHP. Việc vận động các hộ chăn nuôi lắp đặt hầm biogas còn gặp nhiều khó khăn do giá thành lắp đặt hầm biogas cao khiến việc vận động các hộ dân tham gia theo mô hình VietGAHP gặp khó khăn…