Thu hẹp đối tượng hưởng chế độ cử tuyển
Từ những năm 1990-1995, Bộ GDĐT triển khai thực hiện chính sách ưu tiên tuyển chọn, đào tạo học sinh dân tộc tại các trường ĐH, CĐ (thực hiện chế độ cử tuyển). Từ năm 1999-2006, việc thực hiện chế độ cử tuyển được triển khai thực hiện theo Luật Giáo dục năm 1998. Từ năm 2007 đến nay, thực hiện chế độ cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006, Chính phủ ban hành Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH,CĐ, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Từ năm 2007 đến 2013, tổng số học sinh cử tuyển vào các trường ĐH,CĐ là 12.805/14.602 chỉ tiêu, đạt 88%. Số học sinh cử tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp là trên 2.000 học sinh. Từ năm 2010 đến năm 2015 số học sinh tốt nghiệp cử tuyển là 3.774 em, bố trí được việc làm 2.202 em (chiếm 58.35%).
Theo Bộ GDĐT, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp cử tuyển gặp khó khăn do hình thức tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức được cụ thể hóa tại Nghị định số 24/2010/NQ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 29/2012/NQ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ học cử tuyển theo vị trí việc làm; xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu số lượng giữa các dân tộc chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ở một số địa phương khác, công tác rà soát, bám sát theo quy hoạch, ưu tiên các dân tộc có nguồn nhân lực thấp còn lỏng lẻo, định tính.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung, Bộ GDĐT đề xuất thu hẹp đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển (tại Điều 84).
Theo Bộ GDĐT, điều chỉnh đối tượng được hưởng chính sách cử tuyển nhằm tránh lãng phí đào tạo, đào tạo dư thừa hoặc tình trạng sinh viên cử tuyển không quay về địa phương làm việc.