Thể chế cho tập đoàn kinh tế phát triển hiệu quả

M.Loan 15/11/2018 10:58

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Thể chế cho tập đoàn kinh tế phát triển hiệu quả

Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.

Tập đoàn kinh tế: Hiệu quả cao nhưng hạn chế cũng nhiều

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn nhận định, sự ra đời và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đóng góp đáng kể không chỉ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn góp phần đưa Việt Nam vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Không thể phủ nhận, ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế của đất nước là rất sâu, rộng. Khi các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà hơn thế nữa, còn tác động tới niềm tin của xã hội vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, chính sách của Nhà nước, và nói rộng ra là niềm tin vào thể chế chính trị nói chung.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang cần tranh thủ các điều kiện, thời cơ do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại như việc tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) sắp được ký kết trong thời gian tới…

Tuy nhiên, ông Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận, “trong quá trình hoạt động, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ít nhiều đã bộc lộ một số vấn đề cần phải giải quyết. Biểu hiện chủ yếu là: phát triển quá nóng, tập trung mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mà thiếu chú trọng vào lĩnh vực kinh doanh chính, cốt lõi; phát triển vượt quá năng lực tài chính, quản trị,...”.

Kết quả, hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (tài nguyên, đất đai, vốn, công nghệ...); tham gia vào các lĩnh vực rủi ro (như tài chính, ngân hàng, bất động sản,…) đã gặp khó khăn trong quản lý, giám sát khi thị trường có biến động mạnh. Phạm vi hoạt động của đa số các tập đoàn kinh tế nhà nước chủ yếu là thị trường trong nước, hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế. Sự liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn chưa cao, chưa thể hiện được bản chất của tập đoàn kinh tế, chưa thể hiện rõ được vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các lĩnh vực, các ngành khác liên quan của nền kinh tế đất nước. Nhưng khắc phục thế nào để giảm thiểu hạn chế, phát huy tối đa lợi thế của các tập đoàn kinh tế nhà nước là điều nhiều người quan tâm.

Về vấn đề này, PGS, TS Vũ Văn Hà- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cũng đồng thuận đánh giá, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trong lúc năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế cũng như chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Cải cách thể chế đã là yêu cầu cấp bách

Thực tiễn cho thấy để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung, nhất là của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết đó là hoàn thiện thể chế phát triển các tập đoàn này. Trong đó một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

Bàn sâu về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, ông Phạm Ngọc Linh, Vụ Khoa học và Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, về động cơ hình thành là nhằm phục vụ cho việc quản lý vĩ mô, bình ổn kinh tế, và đảm bảo an sinh xã hội; công nghiệp hóa và thu hẹp khoảng cách công nghiệp với các quốc gia phát triển thông qua lợi thế kinh tế nhờ quy mô; và chuẩn bị đối diện với thách thức cạnh tranh hậu WTO.

Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, đằng sau cả ba động cơ này là một chủ trương xuyên suốt, khu vực kinh tế nhà nước (nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước- DNNN) luôn đóng vai trò chủ đạo và chi phối toàn nền kinh tế.

Tại Việt Nam hiện đã có tổng cộng 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập. Với động cơ hình thành và phát triển như thế, các tập đoàn kinh tế nhà nước được hưởng rất nhiều ưu đãi đặc biệt từ phía Chính phủ, nhất là việc các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể mở rộng được quy mô và phạm vi hoạt động nhờ vào nguồn tín dụng dồi dào với chi phí thấp, hoặc thông qua tín dụng nhà nước, thông qua các hình thức bảo lãnh tín dụng công khai hoặc ngầm ẩn. Đáng lưu ý là hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam đều mở rộng hoạt động trong các ngành rủi ro cao như bất động sản, tài chính, ngân hàng, không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.

Để hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật, chính sách phù hợp là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các tập đoàn kinh tế.

Thể chế kinh tế, theo ý kiến của Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đó là, hệ thống những quy định, quy tắc luật pháp điều chỉnh, giám sát các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế. Thể chế kinh tế bao gồm các yếu tố chủ yếu như: các đạo luật, luật lệ, quy định, quy tắc... về kinh tế gắn với những người tham gia các hoạt động kinh tế, các chế tài xử lý vi phạm và cơ chế vận hành của nền kinh tế. Nhà nước tác động vào thị trường, thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội của mình thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế, nhất là thể chế kinh tế, chính trị.

Đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể hiểu là thể chế phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước là tập hợp các quy tắc, các cơ chế thi hành và các chủ thể, tổ chức giúp các tập đoàn này phát triển đúng định hướng. “Đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, Chính phủ có vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng thể chế thông qua các bộ luật và hệ thống các văn bản pháp quy, các cơ quan tư pháp và trọng tài. Bên cạnh đó các tổ chức cộng đồng như các hiệp hội kinh doanh, công đoàn, các tổ chức xã hội khác... là sự bổ sung có hiệu quả nhất cho thể chế của chính phủ đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước.”, ông Hà nói.

Cơ chế quản lý và kiểm soát tập đoàn kinh tế

Đây là giải pháp hết sức quan trọng, về thực chất giải pháp này nhằm giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và tập đoàn kinh tế trên các mặt quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối nhằm đảm bảo cho tập đoàn kinh tế một cơ chế vận hành phản ứng linh hoạt với thị trường, đảm bảo vừa đạt được hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu xã hội. Giải pháp này cho phép giải quyết rõ ràng mối quan hệ giữa quyền tự quyết của DN với sự can thiệp - kiểm soát của nhà nước - với tư cách là người chủ sở hữu, cho phép phân định rõ chức năng quản lý hành chính và chức năng quản lý kinh doanh.

Làm rõ các chính sách chỉ đạo của nhà nước đối với tập đoàn kinh tế và cần có: Hệ thống thể chế đồng bộ của quản lý vĩ mô tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tập đoàn kinh tế đi đôi với tăng cường tính chủ động của đơn vị cơ sở. Điều này đòi hỏi nhà nước phải tạo lập những điều kiện cần thiết về pháp lý và tổ chức - kinh tế cũng như các công cụ.

Bên cạnh đó, cần một hệ thống báo hiệu được sử dụng để đánh giá các kết quả hoạt động của tập đoàn kinh tế, mà theo như ông Doãn Công Khánh, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) nó bao gồm: Hệ thống đánh giá kết quả thực hiện như, mục tiêu, lượng (gần như là định mức) kết quả thực hiện ứng với các mục tiêu đề ra cho các tập đoàn kinh tế; hệ thống thông tin kết quả thực hiện nhằm giám sát kết quả thực tế đạt được theo tiêu chuẩn trên; hệ thống khuyến khích gắn quyền lợi giữa nhà nước, người quản lý và công nhân thông qua hệ thống khen thưởng, phân phối thu nhập theo các kết quả thực hiện.

Như vậy, thay vì trước đây nhà nước không có một hệ thống tiêu chuẩn hiệu quả đánh giá kết quả hoạt động của tập đoàn kinh tế và một chế độ khuyến khích, cổ vũ người lao động, thì hệ thống tiêu chuẩn đã lượng hóa về mặt giá trị kết quả đem lại do tập đoàn kinh tế…

M.Loan