Sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm: Những câu hỏi nhức nhối qua 10 năm
Bất cập trong thực hiện bồi thường, tái định cư cho người dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã từng được Báo Đại Đoàn Kết đề cập, phân tích từ 10 năm trước. Hành trình ròng rã gõ cửa khắp nơi tìm 160 ha đất tái định cư của người dân Thủ Thiêm với bao khốn khó, thậm chí có cả “làng Thủ Thiêm” ngay tại thủ đô Hà Nội. Nhiều câu hỏi nhức nhối qua nhiều năm cần được xử lý, làm rõ.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trong buổi tiếp xúc người dân Thủ Thiêm hôm 14/11 vừa qua.
Tại cuộc tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm lần thứ 3 ngày 14/11 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ báo cáo Chính phủ về những bức xúc liên quan đến khu tái định cư 160 ha, hiện đã biến mất theo quy hoạch ban đầu. Những sai phạm xảy ra trong quá trình giải phóng mặt bằng, giao đất các dự án thành phần, thực hiện sai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
160 ha đất tái định cư giao cho ai?
Trong tiến trình phát triển đô thị hóa tại TP HCM, từ nhiều năm trước, dự án xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ sớm trở thành khu đô thị trung tâm hiện đại với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp không chỉ của TP HCM, mà còn của cả khu vực.
Năm 2002, Trưởng Ban Quản lý xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, lúc đó là ông Nguyễn Văn Đua (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) từng khẳng định, đối tượng được hưởng lợi trước nhất từ dự án này chính là những người dân sinh ra, lớn lên và đang sinh sống tại khu vực này.
Theo đó, khi phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chính phủ đã dùng hẳn 160 ha để người dân được tái định cư ngay ở khu giáp ranh Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Giấc mơ được sống trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm không chỉ đối với một số ít hộ gia đình mà đối với hơn 50 người dân bị giải tỏa.
Sự thật có diễn ra đúng như vậy hay không? Thực tế, khi thực hiện giải tỏa, tái định cư, hơn 10 nghìn hộ dân đã bị di dời ra các địa điểm khác. Những dấu hiệu sai phạm làm chệch mục tiêu quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đã sớm bị phát hiện, khiến những người dân bị giải tỏa bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Người dân Thủ Thiêm chẳng những không được thụ hưởng thành quả xứng đáng do quy hoạch mang lại mà cuộc sống còn khốn khó hơn khi không còn nhà, không còn đất, mất công ăn việc làm.
Thực tế đó đúng như những gì mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh trong nhiều loạt bài từ 10 năm trước. Cũng như, ngày 14/11 mới đây, bà Nguyễn Thị Dung (phường An Lợi Đông) xót xa trình bày trước lãnh đạo có trách nhiệm: “Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đô thị mới Thủ Thiêm lãnh tiền đền bù là 3 đợt, mỗi đợt một chút nên không đủ tiền để mua nhà ở tại chỗ. Nhiều hộ gia đình phải di tản về Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh. Có nhiều hộ sau khi nhận tiền đền bù xong thì nhà to thành nhà nhỏ, từ nhà nhỏ thành không có nhà”.
Trong khi đó, từ năm 1996 đến năm 2003, quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như các công văn chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đều hoàn toàn không có nội dung nào cắt bỏ khu chức năng tái định cư 160 ha ra khỏi Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều đó cho thấy quan điểm của Chính phủ khi ban hành các quyết định, văn bản điều chỉnh liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm là rất rõ ràng, nhất quán: Phần đất tái định cư cho dân gắn với khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, phần đất quy hoạch 160 ha tái định cư cho dân đã bị biến hóa sai mục đích ban đầu. Người dân Thủ Thiêm là đối tượng bị tác động trực tiếp từ dự án xây dựng khu đô thị mới, lại hoàn toàn không được công bố rõ ràng về bản đồ quy hoạch.
Vậy 160 ha đất tái định cư của dân đã bị giao cho ai sử dụng? Hành trình gõ cửa khắp nơi tìm 160 ha đất tái định cư của người dân Thủ Thiêm đã trải qua mười mấy năm ròng rã khốn khó, thậm chí có cả “làng Thủ Thiêm” ngay tại thủ đô Hà Nội.
Người dân Thủ Thiêm trình bày ý kiến với lãnh đạo có trách nhiệm về nỗi khó khăn nhiều năm qua sau khi bị giải tỏa.
Ai chịu trách nhiệm?
Những dấu hiệu sai phạm xảy ra trong quá trình giải phóng mặt bằng, giao đất các dự án thành phần, thực hiện sai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bất cập trong thực hiện bồi thường, tái định cư cho người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Báo Đại Đoàn Kết đã từng có nhiều loạt bài thẳng thắn đề cập, phân tích làm rõ, như: Bưng bít thông tin quy hoạch; Đẩy dân ra khỏi khu tái định cư của Chính phủ; 80 ha đất chỉnh trang “thoắt ẩn thoắt hiện”; Sự thật đau lòng về chuyện “tái định cư”; Cần công khai việc sử dụng 160 hà đất tái định cư của dân; …. Đây là những vấn đề nhức nhối gắn liền với đời sống dân sinh của hàng chục nghìn người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa tại 5 phường, cũng như liên quan đến xử lý trách nhiệm công vụ của những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Ngày 19/4/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, và ngày 30/5/2018, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến kết luận giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, phần lớn diện tích đất trong 160 ha phần đất quy hoạch tái định cư cho dân đã bị chính quyền sở tại giao cho hàng chục nhà đầu tư vì mục đích khác. Cụ thể, UBND TP HCM đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó, đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư. Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư cho người dân theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN), dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt. Việc đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM đã quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần sớm xem xét, có giải pháp giải quyết phù hợp. Ngoài ra, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng có trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chưa đúng thời điểm thu hồi đất, nhất là khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực; không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, việc thực hiện còn chậm, còn một số hạn chế, bất cập, dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư. UBND thành phố cần rà soát để giải quyết dứt điểm.
Người dân được an ủi
Kết luận của Thanh tra Chính phủ bước đầu đã an ủi biết bao người dân Thủ Thiêm trên hành trình đi tìm công lý. Chúng tôi, những người làm Báo Đại Đòan Kết, từ hơn 10 năm trước đã từng trực tiếp gặp gỡ, và chứng kiến rõ những người dân Thủ Thiêm như bà Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) từ mái tóc còn xanh nay đã hoàn toàn bạc trắng, sau 14 năm khiếu kiện. Nhiều người là thành viên của “Làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội”.
Bày tỏ với lãnh đạo UBND TP HCM, ngày 14/11/2018, cũng như nhiều người dân Thủ Thiêm khác, bà Trần Thị Mỹ đặt câu hỏi: “Ai là lãnh đạo TP HCM thời kỳ đó chịu trách nhiệm về việc này?”. Với người dân Thủ Thiêm, những hệ lụy gây ra bởi các sai phạm, bất cập xảy ra trong quá trình thực hiện quy hoạch hoạch khu đô thị mới là vô cùng to lớn. Và những câu hỏi nhức nhối đặt ra từ hơn 10 năm trước cho đến nay vẫn đang mang tính thời sự nóng bỏng, khiến người dân Thủ Thiêm mong muốn lãnh đạo TP HCM cũng các cơ quan có thẩm quyền rà soát, thanh tra toàn bộ dự án để có cơ sở đầy đủ thực hiện các giải pháp bảo đảm lợi ích chính đáng cho người dân cũng như xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan đúng với tính chất, mức độ vi phạm, bảo đảm kỷ cương pháp luật.
* Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân: Vấn đề Thủ Thiêm kéo dài trong nhiều năm qua. Gần đây, khi ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, được Trung ương điều về làm Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, vấn đề này được đặt ra bức thiết hơn. Công tác Mặt trận vì dân, do dân, của dân thấm trong máu của nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam được thể hiện một cách cụ thể hơn trong cách giải quyết bức xúc của dân, cụ thể là giải quyết bức xúc của dân tại Thủ Thiêm. Về quyền và lợi ích của dân, thời gian qua, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều đóng góp để đưa ý kiến của dân đến các cơ quan quản lý Nhà nước, thậm chí đến cả Quốc hội. Quyền làm chủ của dân trong điều kiện sau Đại hội XII của Đảng được phát huy một cách mạnh mẽ hơn. Mừng là sau Đại hội XII, không khí dân chủ của dân được phát huy mạnh mẽ. Chính trong hoàn cảnh đó, lợi ích của nhân dân ở Thủ Thiêm được Thành uỷ và UBND TP cũng như được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét đến. Cuộc gặp gỡ ngày 14/11 vừa qua giữa ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và 50 hộ dân ở Thủ Thiêm, dân mong muốn xem xét lại quy hoạch Thủ Thiêm, tôi cho rằng điều đó có cơ sở. Dân nhận thấy có khuất tất trong quy hoạch của Thủ Thiêm so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Tôi cho rằng, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cần nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của dân để báo cáo với Thành uỷ, HĐND giải quyết làm sao để có lý có tình, tránh tình trạng vì ngại cấp uỷ, ngại chính quyền mà không dám nói tiếng nói trung thực của nhân dân. Và cũng để tránh hiện tượng dân tuý, những ý kiến của dân phải được Mặt trận nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đặt vấn đề với cấp uỷ, chính quyền. Mặt trận phải công tâm, vừa ích nước, vừa lợi dân. Hải Nhi (ghi) |