Hậu vinh danh…
Mới đây, tại buổi gặp mặt các tác giả đoạt giải của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018, ông Trần Nam Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) đã chia sẻ thực trạng: Nhiều công trình khoa học của học sinh, sinh viên sau khi được vinh danh thì dừng lại…
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” thường niên nhằm khuyến khích đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo qua các công trình, sáng kiến (thuộc 3 nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; Sáng chế ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục). Năm 2018, BTC đã chấm, lựa chọn và giới thiệu 14 công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo.
Đáng chú ý gồm Gồm các dự án: Toán tương tác - Flash for Math; Ứng dụng thực tại ảo 4D trong dạy học vật lí và hóa học; SHub – Hệ thống hỗ trợ môi trường giáo dục thông minh; Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT); Dụng cụ học tập sử dụng các môn ở khối Tiểu học; Giáo dục, tuyên truyền học sinh chấp hành an toàn giao thông qua “Phần mềm Cùng em học an toàn giao thông trên nền tảng scratch”…
Chia sẻ tại buổi lễ vừa rồi, ông Trần Nam Tú cho hay: Đơn cử ở giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, sau khi quay trở lại đánh giá các công trình đạt giải của các sinh viên các năm trước thì chúng tôi thấy một điều đáng quan ngại rằng phần nhiều các em dừng lại kết quả nghiên cứu của mình khi đã được ghi nhận. Câu hỏi đặt ra là vấn đề đó do đâu, vì sao khi được vinh danh giải Nhất, Nhì, Ba,… xong thì dừng lại mà không tiếp tục các bước nghiên cứu.
Vì thế, chúc mừng các tác giả vừa đoạt giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2018, nhưng ông Tú cũng bày tỏ mong muốn các tác giả tiếp tục phát triển sản phẩm của mình đi xa hơn, sâu hơn nữa, chứ không phải nghĩ ngay đến việc bán hay thương mại hóa sản phẩm.
Hậu vinh danh- tại sao lại như vậy, có những nguyên nhân được chỉ ra sau đây: Về mặt chủ quan thì chính ngay các tác giả đó cũng gặp những khó khăn, sau khi vinh danh xong các bạn thường khép lại và tìm cho mình một hướng đi khác hoặc mải mê với công việc sau khi ra trường. Còn về mặt khách quan, việc gặp gỡ, kết nối giữa các nhà nghiên cứu trẻ với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp còn khó khăn…
Trên thực tế, không ít những công trình nghiên cứu khoa học, những sáng kiến, hoặc những đồ án ở nhiều lĩnh vực sau vinh danh đều có chung số phận là bị “xếp xó”…, hoặc rất khó được kết nối với những cơ quan hữu trách để triển khai, ứng dụng trong cuộc sống. Đây chính là một thực trạng buồn, đặt ra nhiều suy ngẫm!