Trách nhiệm tiếp dân
Thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, sáng 14/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản ánh còn nhiều hạn chế trong công tác tiếp công dân ở các cơ quan hành chính các cấp. Nhiều ý kiến đề nghị rằng cần làm tốt công tác này vì đây là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực giải quyết các bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của người dân ngay từ cơ sở... từ đó đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với nhân dân. Chẳng hạn, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Quyết định số 11660-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 55-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về việc ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố. UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ban hành quy chế đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó, nhiều vướng mắc, bức xúc của dân đã được giải quyết thấu tình đạt lý.
Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn chưa đạt được những hiệu quả như kỳ vọng. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ ngày 16/8/2017 đến 15/8/2018, QH đã nhận được 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân-tăng 469 đơn thư so với cùng kỳ, riêng Ban Dân nguyện nhận được 18.715 đơn. Trong đó có 72,62% đơn trùng lặp, công dân gửi nhiều lần, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung.
Nhận định về công tác này Ban Dân nguyện cho biết, công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể hóa được tình hình, thực hiện theo quy định việc tiếp công dân định kỳ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành địa phương và vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ. Đây cũng là nguyên nhân người dân thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Không giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân từ cơ sở đó là lý do khiến những vụ việc khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài.
Các nguyên nhân khiến người dân thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo được các ĐBQH chỉ rõ đó là, tính cam kết của người đứng đầu các cơ quan địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở trong công tác tiếp công dân còn thiếu và yếu. Mặc dù quy định của pháp luật về tiếp công dân khá đầy đủ nhưng việc triển khai thực hiện không đúng pháp luật. Đơn cử ở nhiều nơi, theo Luật Tiếp công dân, Chủ tịch tỉnh tiếp công dân 1 lần/tháng, nhưng trung bình một năm chỉ 3 lần, các lần khác ủy quyền cho cấp phó, cấp phó lại tiếp tục ủy quyền cho cán bộ cấp dưới.
Không chỉ tiếp công dân một cách hời hợt mà ở một số tỉnh thành như Đồng Tháp, có tình trạng trong 5 năm, một số cán bộ sở ngành chưa tiếp công dân một buổi nào, vì thế việc theo dõi kiến nghị, bức xúc của người dân rất khó khăn. Người dân vì không được tiếp, không được đối thoại nên bức xúc bị đẩy lên cao. Còn tại Quảng Ninh, qua kiểm tra đột xuất mới đây của Ban Tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh tại một số xã, phường trên địa bàn cho thấy công tác tiếp công dân vẫn còn hình thức, chưa được chú trọng.
Chẳng hạn, tại phường Phương Nam, TP Uông Bí, bàn, ghế trong Phòng Tiếp công dân của phường phủ một lớp bụi dày; trên bàn có 2 tấm biển ghi tên của Chủ tịch UBND phường và cán bộ tư pháp. Trong cuốn sổ tiếp công dân của phường cho thấy, số công dân đến để phản ánh, kiến nghị, khiếu nại ở phường từ đầu năm 2018 đến nay rất ít, đếm trên đầu ngón tay!
Đối thoại với nhân dân không phải là việc làm mới, nhưng là phương pháp rất hiệu quả để gần dân, sát dân, thấu hiểu nhân dân, từ đó giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong thực tế cuộc sống. Tại đây, người lãnh đạo các địa phương, đơn vị nếu thể hiện rõ sự chân thành, thẳng thắn sẽ nhận được những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Quan trọng hơn, những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc sẽ được bàn thảo, giải quyết tận gốc, qua đó lòng tin vào các cấp chính quyền được củng cố vững chắc.
Từng phân tích rõ lý do dẫn tới khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không thể đổ hoàn toàn cho dân mà chính những cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này hay chưa, nhất là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, đã dành thời gian, công sức, lắng nghe từng vụ việc cụ thể hay chưa? Bởi nếu không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, huyện, tỉnh phải bố trí cán bộ tiếp công dân và ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội khiếu kiện thì sẽ mời Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết!
Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu, và truy trách nhiệm đến cùng nếu chính quyền địa phương để dân khiếu nại tố cáo kéo dài. Nhiều ý kiến đề nghị rằng, ai không làm đúng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo thì “kính mời” chuyển đi nơi khác. Bởi đã nhận nhiệm vụ làm lãnh đạo thì đi kèm là gánh vác trách nhiệm. Nếu còn tâm lý tư duy nhiệm kỳ, kệ đến đâu thì đến, chắc chắn người dân sẽ bức xúc, kiện vượt cấp lên Trung ương. Vì vậy, cần xử lý thật nghiêm đối với người đứng đầu và các cơ quan cũng như cán bộ vi phạm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
Tuy nhiên, truy trách nhiệm cho người đứng đầu cũng không thể nói chung chung mà phải có chế tài xử lý cụ thể. Chẳng hạn, người đứng đầu nào phớt lờ trách nhiệm tiếp công dân, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng thì phải kỷ luật nghiêm khắc, chuyển vị lãnh đạo đó ra chỗ khác... như thế mới buộc trách nhiệm để họ xử lý đến cùng kiến nghị chính đáng của người dân ở cơ sở.