Di sản cố đô Huế với vấn đề Bảo tồn và Phát triển
Đó là chủ đề của Diễn đàn đối thoại sử học vừa diễn ra sáng ngày 16/11 do Hội khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế tổ chức.
PGS.TS Đặng Văn Bài phát biểu tại Diễn đàn.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở Trung ương và Huế tham dự.
Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung bày tỏ, diễn đàn Di sản cố đô Huế với vấn đề Bảo tồn và Phát triển là dịp để các nhà nghiên cứu trình bày ý kiến của mình, qua đó, giúp lãnh đạo địa phương có cái nhìn toàn diện, đúng đắn và khách quan để có những quyết sách, biện pháp đúng đắn cho sự nghiệp bảo tồn , phát huy giá trị và khai thác có hiệu quả .
Với 5 chuyên đề do các chuyên gia, nhà quản lý trình bày gồm: “Đặc trưng di sản văn hóa Huế” của TS Phan Tiến Dũng; “Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế” của TS Phan Thanh Hải; “Vai trò của chính quyền các cấp và cơ quan quản lý trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế” của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Huế Nguyễn Đăng Thạnh; “Hợp tác quốc tế trong bảo tồn quần thể kiến trúc Huế” của PGS TS Đặng Văn Bài; “Di sản văn hóa cố đô Huế với phát triển du lịch” của 2 tác giả ở Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế: Nguyễn Văn Phúc-Trần Viết Lực diễn đàn đã lần lượt nghe ý kiến nhận xét, phản biện của các nhà nghiên cứu xung quanh các chuyên đề được nêu.
Theo đánh giá của PGS TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế, qua ý kiến phản biện cho thấy có rất nhiều điểm đồng thuận với tác giả các chuyên đề. Nét tinh hoa riêng có của văn hóa Huế đã đóng góp xuất sắc cho du lịch phát triển. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có đủ năng lục gìn giữ sự toàn vẹn cũng như những giá trị nổi bật toàn cầu. Tuy nhiên, tại diễn đàn có ý kiến đề xuất cần mở rộng mô hình xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa để huy động nguồn lực và tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau. Cần phải gắn trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền với người dân Huế và khách du lịch để phát triển bền vững. Còn thiếu định hướng và chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào Di sản Huế và vùng phụ cận… qua đó đề xuất tiếp tục nghiên cứu con người Huế trong thời hội nhập…
Kể từ năm 2016, đây là Diễn đàn đối thoại lần thứ 3 được UBND Thừa Thiên - Huế giao cho Hội KHLS địa phương tổ chức. Hoạt động này được ghi nhận là nét mới bởi nó không chỉ hàm chứa dung lượng khoa học mà còn mang tính thực tiễn cao trước những vấn đề mang tính đặc thù của vùng đất.