Tỷ lệ sai phạm qua thanh tra thuế là rất lớn
Ngày 16/11 Tổng cục Thuế thông tin về Luật Thuế sửa đổi và trao đổi những vấn đề mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, sau khi có những tranh luận tại nghị trường giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính, đặc biệt là ý kiến cho rằng cơ quan thuế bỏ sót nhiều nguồn thu, làm thất thu thuế 94%.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Quốc hội, chiều 15/11. Ảnh: Quang Vinh.
Bỏ sót nhiều nguồn thu lớn
Trước đó, tại phiên thảo luận (chiều 15/11), Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc nói về việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu hết sức lớn. Ông Phớc dẫn ví dụ đối chiếu các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi, cho thấy thất thu thuế lên đến 94% so với số đối chiếu. Phía KTNN cho rằng cơ quan thuế để sót nhiều nguồn thu lớn.
Ngay ngày 16/11, làm rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Lai- quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra thuộc Tổng cục Thuế, cho biết do không nắm được chi tiết cách tính tỷ lệ của KTNN nên không bình luận về số liệu 94% của Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đưa ra.
Cụ thể, ông Lai nói, khi KTNN tiến hành kiểm toán ngân sách tại 1 địa phương, sẽ có 1 tổ kiểm toán tại cơ quan thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đều đã có các văn bản chỉ đạo Cục Thuế các địa phương phối hợp chặt chẽ, cung cấp hồ sơ cho cơ quan kiểm toán. Sau khi kết thúc, cơ quan kiểm toán sẽ lập biên bản kiểm soát, đối chiếu, từ đó ra số chênh lệch về thuế, những sai phạm về thuế của các doanh nghiệp. Theo ông Lai, có thể thời điểm KTNN vào kiểm toán thì DN chưa kê khai thuế, nhưng sau đó DN đã kê khai bổ sung vì Luật Quản lý thuế hiện hành cho phép khai bổ sung.
Tuy nhiên ông Lai cũng cho rằng, ngay cả khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra cũng phát hiện một tỷ lệ sai phạm lớn lên tới 95-97%. Tỷ lệ sai cũng tùy đơn vị. Có đơn vị kê sai 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng cũng là sai, thậm chí có đơn vị sai phạm lớn, phát hiện gần 2.000 tỷ đồng. Với hành vi sai phạm nhỏ, nếu tính vào tỷ lệ tương đối thì cũng khó. Trong khi đó, chính sách của ta chưa đồng bộ với hành vi cụ thể ngoài thực tiễn nên thực tế cũng liên tục phải sửa đổi. Ông Lai khẳng định ngành thuế luôn phối hợp chặt chẽ với KTNN, Thanh tra Chính phủ.
Phía Tổng cục Thuế cũng cho rằng đa số ý kiến nhất trí với quy định cơ quan Thanh tra, KTNN thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, về thanh tra, về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan. Có một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định của Dự thảo Luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan quản lý thuế.
Theo quy định hiện hành cơ quan KTNN chỉ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Hiện nay, được biết KTNN đang đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán bằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định chi tiết Điều 4, Điều 55 của Luật KTNN theo hướng KTNN thực hiện kiểm toán tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp NSNN. Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Do đó, Luật Quản lý thuế không quy định nội dung này.
Ông Lức Đức Huy- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho rằng, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chỉ quy định việc xử lý kết luận của thanh tra, KTNN khi thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế và có kết luận, kiến nghị về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Hay nói cách khác là giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế và các cơ quan có liên quan. Theo đó, Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình với ý kiến các đại biểu: Trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế, trong đó có hoạt động đối chiếu nghĩa vụ của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế phải thực hiện theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện phải được xử lý bằng quyết định hành chính và nghĩa vụ thực hiện ở đây là người nộp thuế.
Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý thuế, DN tự khai, tự tính, tự nộp thuế, Cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hàng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng DN. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, có kết luận và quyết định xử lý nếu không thống nhất người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện. Cụ thể: người nộp thuế có quyền khiếu nại 2 lần (lần 1 với cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý thuế, lần 2 với cơ quan quản lý thuế cấp trên), trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người nộp thuế có quyền khởi kiện cơ quan quản lý thuế ra Tòa án.
Chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp
Cũng bàn về Luật Thuế sửa đổi diễn ra vào chiều ngày 15/11, nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng, vấn đề chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp, ngăn chặn chuyển giá vẫn là vấn đề khó.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu và tăng cường quản lý, giao dịch xuyên biên giới, thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương (ví dụ: Vấn đề thẩm định vốn, thẩm định dự án đầu tư của các doanh nghiệp FDI cần quản lý chặt chẽ ngay từ khâu cấp phép dự án đầu tư, vấn đề kinh doanh thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại…). Tại Dự thảo Luật đã thiết kế một số điều quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ hơn. Ban soạn thảo ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để sửa đổi, hoàn thiện đảm bảo hiệu quả hơn.
* Theo quy định của Luật Quản lý thuế, DN tự khai, tự tính, tự nộp thuế, Cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hàng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng DN. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, có kết luận và quyết định xử lý nếu không thống nhất người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện.