Băn khoăn tuyến phố kiểu mẫu
Sau sự ra đời của tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, mới đây UBND phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm-Hà Nội) đã triển khai đề án “Thí điểm xây dựng đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị”, giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến 2030, trên địa bàn phường Mỹ Đình. Mặc dù mới đang ở giai đoạn triển khai ban đầu nhưng kế hoạch đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều.
“May” đồng phục cho phố
Theo báo cáo thực trạng tuyến đường Đình Thôn hiện nay có chiều dài khoảng 500 m, rộng trung bình khoảng 5,5m. Tuy nhiên, hiện nay mặt đường bê tông nhựa hai bên đường có vỉa hè nhưng không đồng đều về chiều rộng, cắt giao với đường Phạm Hùng và đường Vũ Quỳnh nên thường xuyên xảy ra sự ách tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Theo đó, để khắc phục tình trên trong thời gian tới đề án “Thí điểm xây dựng đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị” sẽ được triển khai qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 vừa được UBND phường Mỹ Đình 1 triển khai là cắm cột và đồng bộ hóa biển quảng cáo. Trong đó, toàn bộ biển quảng cáo, biển hiệu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp dọc tuyến đường này được lắp đặt theo đúng quy định với chiều cao của bảng biển là 1,2m; nội dung của biển theo mục đích kinh doanh của các hộ, không quy định về màu sắc.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong năm 2019, triển khai thực hiện thanh thải, xử lý dây điện, dây viễn thông. Giai đoạn 3 sẽ tiến hành cải tạo mặt đường, vỉa hè. Được biết, nguồn kinh phí được thực hiện dự án chủ yếu kêu gọi xã hội hoá và sự tự giác thực hiện của nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, ngay sau khi tiến hành cắm cắm cột và có quy định kích thước biển hiệu, đề án đã nhận được ý kiến trái chiều từ chính người dân sinh sống tại đây. Bởi 200 cột thép được sơn đỏ, cao hơn 4m mới dựng lên trước mặt tiền của các hộ dân đang làm cho không gian tuyến đường vốn đã nhỏ nay lại càng bị thu hẹp lại.
Đặc biệt, hai bên vỉa hè vốn đã rất chật hẹp với sự xuất hiện của các cọc thép đã chiếm mất diện tích, người đi bộ vẫn phải đi xuống lòng đường. Thậm chí theo quan điểm của nhiều người dân cho rằng các cột sắt đang gây cản trở giao thông sẽ và không giảm tải được tình trạng ùn tắc. Thậm chí những cây cột này còn tạo những mối hiểm họa tai nạn cho các phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, ngay sau khi hệ thống cột sắt được hoàn thiện, nhiều hộ kinh doanh nhanh chóng lắp mái, xây vách đua ra sát vị trí cột. Ở nhiều vị trí, khoảng cách từ mặt tiền cửa hàng đến cột sắt phía trước lên đến gần 2m. Những chiếc cột được đặt dựa theo vị trí, kích thước mặt tiền mỗi căn nhà dẫn đến tình trạng thò thụt, dài rộng giữa các cột nhà là khác nhau.
Ngoài ra, theo quy định, chiều cao của biển hiệu quảng cáo so với mặt đất là 3m. Nhiều cửa hàng tận dụng luôn bảng biển cũ nên nhìn tổng thể vẫn chưa được đồng đều, thống nhất.
Bài học nhãn tiền
Có thể thấy, tưởng chừng bài học phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn vẫn còn nguyên giá trị, thì việc triển khai đề án của UBND phường Mỹ Đình 1 đang đi theo một lối mòn cũ. Ở đó, theo các nhà kiến trúc cho rằng cứ với tư duy “nhân bản vô tính” này đã biến diện mạo không gian đô thị ở Việt Nam sẽ trở nên hỗn loạn, thiếu kiểm soát, “mạnh ai người đấy làm”.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, sau phố Lê Trọng Tấn năm 2016 đến nay là tuyến Đình Thôn, chúng ta phải rút kinh nghiệm. Bởi diện mạo hai bên tuyến phố nó là biểu hiện của văn hóa, biểu hiện khoa học kỹ thuật. Nhưng phải có quản lý tốt và phải do dân, vì dân chứ không phải áp đặt được, phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân cũng như các chuyên gia. Phường Mỹ Đình 1 lý giải là chia ra làm nhiều giai đoạn là chưa thỏa đáng.
“Khu hồ Hoàn Kiếm trước đó đã có rất nhiều cuộc họp đưa ra thiết kế, mời cả nước ngoài tư vấn và làm đồng bộ cả kiến trúc, quảng cáo, cây xanh, chiếu sáng… nhưng vẫn còn nhiều hạn chế”- ông Nghiêm dẫn chứng.
Chứng kiến kiểu “đồng phục” lạ đời này, nhiều chuyên gia trong giới mỹ thuật đã không khỏi ngạc nhiên bởi cách làm có phần “tự quyết” của chính quyền địa phương. Bởi với một công trình kiểu mẫu dường như không có sự tham gia tư vấn những người có chuyên môn nhưng lại có thể cho rằng cách làm này sẽ tạo nên sự đồng bộ, văn minh.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, công việc này đã được xác định ban đầu là làm thí điểm để lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, dư luận xã hội. Khi qui hoạch tuyến phố Thủ đô là phải tạo cho ra nét kiến trúc của từng khu phố riêng.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử… cho rằng, họ sẵn sàng đóng góp ý kiến cho nghệ thuật thiết kế đô thị nói riêng và trong việc qui hoạch phố phường Hà Nội nói chung. Ngặt nỗi, lâu nay họ không hề được hỏi ý kiến, hoặc nếu có góp ý thì cũng chưa được nhà quản lý lắng nghe. “Đây cũng là tình trạng chung ở ta. Ý kiến của các nhà chuyên môn mấy khi được các nhà quản lý hỏi đến”- ông Thành nói.
Còn ông Lương Xuân Đoàn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam lại nhận định nhiều không gian công cộng ở ta đang diễn ra tình trạng tuỳ tiện, thiết kế không gian theo kiểu “cưỡng ép” thị giác công chúng. Tình trạng hiện thời trên tuyến phố Đình Thôn thì đúng là nơi đây đang bị “cưỡng ép” một cách tuỳ tiện. Đường Đình Thôn không dài, mặt đường chỉ rộng khoảng 5,5m, vỉa hè khá hẹp. Tuy nhiên, chính quyền lại hứa hẹn sẽ là tuyến phố kiểu mẫu thứ 2 của thành phố Hà Nội.
Sau hơn 2 năm thực hiện, tuyến đường Lê Trọng Tấn với biển hiệu kiểu mẫu đã thất bại khi các cửa hàng tự ý “phá luật”, thiết kế biển hiệu theo cách riêng. Nguyên nhân của việc “phá luật” là chủ cửa hàng nhận ra việc thiết kế mẫu biển quảng cáo quá giống nhau khiến việc buôn bán ế ẩm, cửa hàng không có điểm nhấn, khách hàng khó nhận diện. Có thể thấy, với bài học nhãn tiền này UBND phường Mỹ Đình 1 cần có cái nhìn toàn diện để tránh gặp phải những sai lầm đáng tiếc. Nhất là đây là công trình kiểu mẫu và có sự chung tay, chung sức và cả kinh phí của chính người dân đang sinh sống trên địa bàn.