Song hành cùng văn chương và văn hóa
Nhà văn Y Ban sau chuyến tham dự hội thảo văn học giữa nhà văn Việt Nam và nhà văn Hàn Quốc tại Gyeong Ju (Hàn Quốc) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về giao lưu văn hóa và quảng bá văn học ra bên ngoài đất nước.
Đoàn nhà văn Việt Nam tham dự hội thảo văn học Việt Nam và Hàn Quốc.
PV: Là nhà văn đã từng được phía Hàn Quốc nhiều lần mời tham dự các chương trình giao lưu văn học giữa 2 nước, chị ấn tượng gì với cách mà bên phía nước bạn đã làm để ngày càng gây ảnh hưởng về văn hóa của họ sang các nước khác?
Nhà văn Y Ban: Khán giả Việt Nam xem phim Hàn Quốc, các bạn trẻ nghe nhạc Hàn Quốc và bị ảnh hưởng bởi phong cách Hàn Quốc trong thời trang, giải trí, thẩm mỹ… thì chúng ta đều biết rồi. Chiến lược của họ rất kinh khủng, cùng với kinh tế họ phát triển song song văn hóa và tạo nên làn sóng Hàn Quốc rất mạnh mẽ, ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới. Riêng về văn học, từ đầu những năm 2000, họ đã mời các đoàn nhà văn sang thăm Hàn Quốc. Họ lập ra Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam, mời các nhà văn Việt Nam sang Hàn Quốc và cho các nhà văn Hàn Quốc sang Việt Nam. Nhưng trong chiến lược quảng bá văn học của phía Hàn Quốc thì tôi ấn tượng nhất với việc họ lập ra Viện dịch thuật do nhà nước quản lý. Ở đó dịch các tác phẩm của Hàn Quốc sang các ngôn ngữ khác và dịch các tác phẩm của các nước khác sang tiếng Hàn. Ở Hàn Quốc hàng năm đều trao giải cho các nhà văn châu Á.
Cách thức đầu tư này đã giúp gì trong việc quảng bá văn học Hàn Quốc ở nước ngoài, thưa chị?
- Chính vì có Viện dịch thuật mà Hàn Quốc những năm qua đã giành được các giải thưởng văn học khá lớn trên thế giới. Họ phải nói là rất chú trọng đầu tư, phát triển kinh tế song hành cùng với văn chương và văn hóa. So sánh ra thì khập khiễng, nhưng là người từng tham gia hiệu đính các tác phẩm văn học Hàn Quốc bản dịch tiếng Việt, thì cá nhân tôi cho rằng văn học Hàn Quốc cũng không rực rỡ và nổi bật hơn văn học Việt Nam, nhưng họ lại được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới, chính là vì họ biết cách đầu tư và rất chú trọng quảng bá, xuất khẩu văn học, văn hóa sang các nước.
Tác phẩm văn học Việt Nam vào Hàn Quốc thì thế nào, chúng ta cũng đã giành được các giải thưởng của họ?
- Các nhà văn Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, hay như vừa rồi là Bảo Ninh đã nhận được giải thưởng khá lớn ở Hàn Quốc. Vẫn là nhờ có Viện dịch thuật làm công việc này rất nghiêm túc. Ví dụ trong trường hợp “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, trước đây đã từng có một dịch giả khác dịch ra tiếng Hàn và xuất bản tại Hàn Quốc, nhưng khi bản dịch của dịch giả Ha Jea Hong – một người rất gắn bó với văn học Việt Nam – được xuất bản thì độc giả Hàn Quốc đã đổ xô vào đọc “Nỗi buồn chiến tranh”. Ha Jea Hong cũng là người đã dịch các tác phẩm rất được hoan nghênh ở Hàn Quốc như “Chí Phèo” của Nam Cao, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư và sắp tới đây là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương… Ha Jea Hong cũng là người dịch cuốn “I am đàn bà” của tôi sang tiếng Hàn.
Cách chọn tác phẩm văn học Việt Nam để trao giải, theo chị đã được phía bạn chú trọng hơn đến yếu tố nào?
- Cái bóng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn rất lớn. Các bạn Hàn Quốc luôn muốn lý giải và đi tìm nguyên nhân Việt Nam thắng Mỹ. Tôi vinh dự là nhà văn Việt Nam được mời đến Hàn Quốc 4 lần. Và tôi biết có lẽ người Hàn vẫn luôn muốn gửi đến Việt Nam một lời xin lỗi.
Ở chiều ngược lại, các nhà văn Hàn Quốc đã cảm nhận về Việt Nam thế nào, theo chị?
- Họ có những nhà văn sang Việt Nam và thâm nhập rất sâu sắc vào đời sống của chúng ta hôm nay. Một người trong số ấy là nhà văn Bang Hyun Suk – Hội trưởng Hội những nhà văn trẻ tìm hiểu Việt Nam. Ông là người đã viết cuốn tiểu thuyết “Thời gian ăn tôm hùm” (đã được xuất bản tại Việt Nam) lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam. Hiện nay ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Chung Ang. Hay dịch giả Ha Jea Hong mà tôi đã nhắc ở trên…
Trân trọng cảm ơn nhà văn Y Ban!