Bất cập quản lý vỉa hè ở TP HCM: Vừa dẹp xong lại tái chiếm

Thành Luân - Đoàn Xá 17/11/2018 08:00

Dù là địa phương khởi xướng chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn tạm lắng, tình trạng lấn chiếm lề đường, vỉa hè tại TPHCM lại tiếp tục tái diễn. Thực trạng này đặt ra nhiều dấu hỏi cho chiến dịch từng rất rầm rộ. Và rồi, tới đây sẽ ra sao...

Bất cập quản lý vỉa hè ở TP HCM: Vừa dẹp xong lại tái chiếm

Toàn bộ vỉa hè và một phần lòng đường khu vực đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP HCM lại bị “tái chiếm”.

“Tái chiếm” tại những nơi chiến dịch đi qua

Có mặt tại những “điểm nóng” mà các đoàn trật tự đô thị các quận trung tâm TPHCM từng xử lý mạnh tay, phóng viên Đại Đoàn Kết ghi nhận tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè diễn ra rất phổ biến.

Ngay tại vỉa hè đường Nguyễn Du, đoạn giao với đường Đồng Khởi, nơi cách trụ sở UBND Q.1 chỉ chừng 100 m là bãi đậu xe tự phát của khách uống cà phê, với thường trực vài chục chiếc xe gắn máy. Đáng chú ý, khách đậu xe ở đây được nhân viên bảo vệ mặc đồng phục dựng, dắt và xếp trên vỉa hè. Cách đó không xa, cũng trên cung đường Nguyễn Du (đoạn giao với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) thậm chí có các cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh, đồ uống kê bàn ăn, ghế ngồi lấn chiếm vỉa hè, và sử dụng cả lề đường làm bãi đậu xe dành cho thực khách. Ở các khu vực này, tình trạng mất trật tự lề đường, vỉa hè hết sức lộn xộn và bừa bãi rác thải.

Không riêng ở Q.1, ở nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM (Q.3, 5, 6, 10) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khu vực xung quanh các bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5), bệnh viện Nhân dân 115 (Q.10), các trường ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn, ĐH Khoa học Tự nhiên (Q5)…thường xuyên có hàng trăm các xe đẩy buôn bán đồ ăn, đồ uống và các nhu yếu phẩm tổng hợp. Điều đáng nói là, càng ở các khu vực trung tâm đông đúc, tình trạng lấn chiếm càng diễn ra phổ biến.

Trong khi tại các điểm ghi nhận đều là những nơi mà các đoàn trật tự đô thị cấp quận từng ra quân rầm rộ, quyết liệt chỉ vài tháng trước đó. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè còn diễn ra ngay cả ở khu vực gần với trụ sở UBND phường, UBND quận, đã đặt ra những câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở mỗi nơi và hiệu quả thực sự của các chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ thời gian qua.

Bất cập quản lý vỉa hè ở TP HCM: Vừa dẹp xong lại tái chiếm - 1

Một phần vỉa hè tại đường Nguyễn Du, Q.1 bị chiếm dụng làm nơi buôn bán hàng ăn, quán nước, dù trước đó từng bị đoàn kiểm tra xử lý.

Buông lỏng hay bảo kê?

Tiếp xúc với chúng tôi, một số chủ nhà hàng, cơ sở buôn bán thừa nhận có chi trả các khoản “lệ phí ngoài” để mua được vị trí vỉa hè làm khu để xe cho khách hàng. “Chúng tôi không chung chi cũng khó có thể làm ăn. Nó là lệ chung rồi, muốn yên ổn làm ăn thì phải theo lệ đó” - một chủ cửa hàng cơm trưa bình dân trên đường Nguyễn Duy Trinh (P.Bình Trưng Tây, Q.2) thổ lộ.

Ở ngay khu vực hồ Con Rùa (Q.1), nơi có nhiều quán cà phê kinh doanh tấp nập, vỉa hè trở thành “miếng bánh” đắc địa. Hầu hết các quán này đều chiếm dụng vỉa hè phía trước làm bãi giữ xe riêng. Bảo vệ quán nhận xe, ghi vé và chia nhau không gian giữ dành cho hành khách tới uống cà phê. Khu vực đối diện, là hàng chục gánh hàng rong, xe đẩy bán bánh tráng trộn, dừa tươi, nước uống… ngay trên lòng đường. Thế nhưng, một nhân viên bảo vệ tại đây thừa nhận, rất khó xử lý do chồng chéo về quản lý… của một số “đầu nậu bảo kê”. Nhưng, khi hỏi các đầu nậu là ai, thì nhân viên này từ chối trả lời.

Ngoài các nhà hàng, mặt bằng lớn ở trung tâm, các khu vực chợ, điển hình là chợ Bến Thành cũng tồn tại tình trạng bát nháo về chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán và đậu đỗ các phương tiện giao thông. Xung quanh chợ này, các tuyến đường nhếch nhác bởi rác, người đi xe máy luôn phải di chuyển chậm vì các sạp hàng kinh doanh đồ ăn, nhà hàng di động tràn ra lấn chiếm một phần lòng đường. Nhiều sạp bán túi xách, ba lô, quần áo, khăn choàng chiếm luôn cả đường đi của khách du khách lẫn người dân dù đây là khu vực đường giao thông. Thực trạng trên diễn ra ngang nhiên, công khai từ sáng sớm cho tới tối khuya, thế nhưng cũng không thấy bóng dáng của các cơ quan quản lý trật tự đô thị đến kiểm tra, xử phạt hành chính.

Còn nhớ, tại các tuyến đường này chỉ trước đó chưa lâu, đích thân ông Đoàn Ngọc Hải- Phó Chủ tịch UBND quận 1 cùng đội trật tự đô thị của Q.1 từng ra quân xử lý mạnh tay, có thời điểm đã hoàn toàn thông thoáng thì hiện nay các cơ sở, hộ kinh doanh quay trở lại tái chiếm, gây cảnh lộn xộn, nhếch nhác ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Theo thông tin cung cấp với PV báo Đại Đoàn Kết, cách đây chưa lâu UBND Q.1 đã họp và ra quyết định cho thôi việc đối với ông Phạm Nguyên Vũ- cán bộ thuộc Đội Quản lý trật tự đô thị của quận này khi người dân tố giác ông Vũ “bảo kê” cho lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn. Từ đó, việc buông lỏng hay bảo kê đã thực sự trở thành vấn nạn khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường ngày càng phức tạp tại địa bàn đô thị lớn nhất nước.

Thực trạng trên đã và đang đặt ra vấn đề đối với các cơ quan quản lý về có hay không hiện tượng bảo kê hoặc buông lỏng diễn ra ngày càng phổ biến và công khai trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè (!?). Phải chăng, vì thế mà một số quận bày tỏ việc bất lực trước thực trạng này? Điều đáng nói, theo tìm hiểu của chúng tôi, lực lượng đô thị tại các phường, quận, kể cả lực lượng liên ngành dù có kiểm tra, thậm chí là khá thường xuyên nhưng vẫn tỏ ra quá mỏng, cộng thêm những bất cập chủ quan khiến hiệu quả các đợt ra quân như “đánh trống bỏ dùi”. Có cán bộ thừa nhận, do lực lượng đô thị khi ra quân quá rầm rộ, lại di chuyển trên các phương tiện lớn.

Do đó, khi phát hiện có đoàn kiểm tra, nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh dễ thu dọn bàn ghế kịp thời. Nhiều nơi lấn chiếm vỉa hè có người cảnh giới, khi thấy xe của lực lượng đô thị từ xa là lập tức ra hiệu để các tiệm xung quanh cùng thu dọn trong khoảng thời gian chỉ 3-5 phút. Khi các lực lượng đô thị tới nơi thì các khu vực này đã thông thoáng, như chưa từng xảy ra việc lấn chiếm.

Có quận thực hiện kẻ một vạch vôi màu trắng với quy ước là xe của khách hàng chỉ được để trong vạch vôi, không được lấn chiếm ra ngoài. Các vạch trắng này xuất hiện ở khắp các tuyến phố, dù vậy việc lấn chiếm vượt ra ngoài vạch này vẫn diễn ra tràn lan sau các chiến dịch ra quân rầm rộ.

* Phó Chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải- phụ trách công tác trật tự đô thị tại quận này thừa nhận, trong quá trình xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường, ông và các đồng nghiệp đã đụng chạm đến lợi ích to lớn của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền,...và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó. Theo vị Phó Chủ tịch quận, những nhóm lợi ích này đã chống phá công khai và ngấm ngầm khi họ bị mất đi nguồn lợi phi pháp từ lấn chiếm tài sản công.

Thành Luân - Đoàn Xá