Bớt bệnh thành tích, áp lực với giáo viên sẽ giảm

Thu Hương 17/11/2018 08:00

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức hội thảo khoa học: “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông trong bối cảnh hiện nay-Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”. Nhiều tâm tư từ các cựu giáo chức, các nhà giáo đang công tác đã được bày tỏ để cùng tìm ra giải pháp để mỗi nhà giáo đến trường là một ngày vui.

Bớt bệnh thành tích, áp lực với giáo viên sẽ giảm

Bộ GDĐT lưu ý không được ép giáo viên thi giáo viên dạy giỏi. Ảnh minh họa.

Trăm dâu đổ đầu… nhà giáo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Phan Văn Kha- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định trực tiếp tới chất lượng dạy học và giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ giáo viên đang phải chịu nhiều áp lực, sức ép từ chuyên môn, nghề nghiệp, môi trường xã hội và các hoạt động nghề nghiệp. Những áp lực này một mặt tạo động lực trong lao động nghề nghiệp của giáo viên, mặt khác lại dẫn đến những khó khăn về chuyên môn, tâm lý, gây lo lắng cho giáo viên. Chính vì vậy, cần có các biện pháp giải tỏa kịp thời áp lực cho nhà giáo để nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn.

Cụ thể, PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý gáo dục và đào tạo (nay là Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng nhiều giáo viên hiện nay phải đối mặt với bài toán mình sẽ ra sao, sẽ đi về đâu… Điển hình là sự kiện giáo viên mất việc và có nguy cơ mất việc ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), Thanh Oai (Hà Nội) mới đây khiến không chỉ giáo viên hợp đồng mà ngay cả những người đã vào biên chế cũng không khỏi lo lắng.

Công việc bấp bênh là vậy, khối lượng giảng dạy kiến thức không phải ít với mỗi năm mỗi thay đổi, đòi hỏi cao hơn trước đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực hết mình về chuyên môn. Nhưng đáng sợ hơn là những áp lực đến từ dư luận. Thậm chí, học sinh đánh nhau ngoài trường cũng lại đổ lỗi cho giáo viên, cho giáo dục trong khi các em chỉ có khoảng 4-6 tiếng tại nhà trường, còn lại là về gia đình, xã hội.

Ở góc độ một người đang công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Thị Quế Anh - Học viện Chính trị khu vực I cho rằng, nghề giáo viên thời nay chứa đựng quá nhiều nguy hiểm. Giáo viên phải chịu mọi áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học, trong các mối quan hệ… Những chỉ tiêu khủng khiếp về bệnh thành tích, về chỉ tiêu như 100% lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn 99%, duy trì sĩ số 98%...

Trong khi đó, sĩ số lớp đông, trường học thiếu phòng học, học sinh phải học luân phiên và người giáo viên cũng phải gồng mình để dạy đảm bảo kiến thức cho học trò trải qua các kỳ thi, kỳ kiểm tra liên tiếp… Thậm chí, hàng loạt tiết dự giờ đầy căng thẳng mà đánh giá thành tích cả một học kỳ khiến cho các thầy cô chẳng còn cách nào khác phải “gà bài” cho học sinh đến thuộc thì thôi… Thiết bị, môi trường giáo dục không được phát triển tương xứng. Thiếu giáo viên nơi này nơi kia… Hàng loạt vấn đề như vậy khiến nhà giáo muốn chuyên tâm làm tốt công tác chuyên môn cũng khó!

Đừng “trăm sự nhờ thầy”

Không nghề nào không có áp lực. Nhưng có lẽ nghề giáo viên với những đặc thù là liên quan đến đào tạo con người nên được nhiều người quan tâm, góp ý. Người thầy, đứng trước phong ba bão táp như thế, trước hết là phải tự mình nỗ lực vượt qua. Nói như TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam thì không còn cách nào khác là giáo viên phải vượt qua chính mình, dám đương đầu với nghịch cảnh, tìm niềm vui, hạnh phúc trong quá trình sáng tạo nghề nghiệp...

Song hành cùng với họ, nhà trường phải tạo điều kiện cho người thầy phát huy hết nội lực của mình. Những quy định của ngành phải “cởi trói” cho người thầy với việc bỏ bớt những điều không phù hợp, cho họ những quyền nhất định khi đứng lớp chứ không chỉ có xử phạt, nghiêm cấm… Giáo dục không chỉ là câu chuyện của riêng nhà trường mà cả xã hội trong đó mỗi gia đình cần có sự cảm thông, chia sẻ và quan trọng hơn là phối hợp cùng thầy cô rèn giũa học sinh để giúp các em ngày càng tiến bộ. Đừng chỉ “trăm sự nhờ thầy cô” sẽ khiến gánh nặng trên vai người thầy trở nên quá nặng đến mức thầy cô không thể… kham nổi.

Bên cạnh đó là những chính sách đãi ngộ, tiền lương tương xứng với công sức lao động bỏ ra và cơ hội thăng tiến… để những người thầy yên tâm bám trụ với nghề.

Từ phía ngành GDĐT, các nhà giáo đề xuất cần giảm áp lực thành tích đối với giáo viên. Vừa qua, Bộ GDĐT đã chủ trương không tổ chức một số cuộc thi trên mạng internet góp phần giảm áp lực cho giáo viên. Ngay cả việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng được Bộ GDĐT ban hành công văn nêu rõ không đươc ép giao viên phải thi dạy giỏi. Việc tham gia là do giáo viên tự nguyện, không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức.

“Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; Không được “gà bài” trước cho học sinh; Khi thao giảng phải giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp. Cần sử dụng kết quả hội thi để lan tỏa, động viên, khích lệ giáo viên phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp và thi đua dạy tốt. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cũng như toàn xã hội hiểu và đồng thuận với việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi” – công văn của Bộ GDĐT ban hành cuối tháng 7 vừa qua đề cập.

Chỉ khi nào những hoạt động thi đua mang tính hình thức, không cần thiết được hạn chế thì giáo viên mới giảm áp lực và tạo động lực tốt hơn cho họ trong dạy học.

Thu Hương