Kết nối các thủ tục hành chính lên cơ chế một cửa quốc gia đúng tiến độ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đề nghị Bộ Y tế và các bộ kết nối các thủ tục hành chính lên cơ chế một cửa quốc gia đúng tiến độ, đồng thời duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.
Sau buổi sáng làm việc tại Bộ GTVT, chiều cùng ngày (17/11), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã làm việc với Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều hành hiệu quả việc quản lý giá vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu, trong năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả với 4 nhóm thủ tục hành chính đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên đến hết năm nay, Bộ Y tế chỉ kết nối được 17 thủ tục hành chính lên một cửa quốc gia ở các lĩnh vực thiết bị y tế và dược, còn 6 thủ tục còn lại của năm liên quan tới môi trường y tế và an toàn thực phẩm thì trong tháng 1/2019 mới được hoàn thành, chậm 1 tháng so với quy định.
Về cắt giảm mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết tới nay 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu là đối tượng quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu mà thực hiện hậu kiểm khi tiêu thụ trên thị trường.
Tính trên lô hàng nhập khẩu thì 95% số lô hàng đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, chỉ còn lại 5% số lô hàng phải kiểm tra, trong khi chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 50/TB-VPCP ban hành đầu năm 2018 là loại bỏ 50% số dòng hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết Bộ này và Bộ Y tế đã cơ bản bỏ kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng có sự quản lý chồng chéo giữa hai bên. Ví dụ bỏ kiểm tra chuyên ngành đối với dược phẩm thuộc diện kiểm dịch động vật. Còn mặt hàng liên quan tới thực vật có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới cây trồng trong nước, nhầm lẫn đối tượng thuộc diện kiểm dịch (như mặt hàng tơ hồng- hạt thỏ y tử) thì Bộ NN&PTNT đề xuất vẫn kiểm dịch. Tuy nhiên, nếu hàng hoá được đóng gói, hấp chín hay bảo quản lưu huỳnh thì sẽ không kiểm dịch.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đang làm việc với Tổng cục Hải quan để tích hợp việc thu phí điện tử vào cơ chế 1 cửa quốc gia để thực sự là dịch vụ công cấp độ 4.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Uỷ ban đã đặt ra đối với Bộ Y tế trong kiểm tra chuyên ngành, bảo vệ quyền lợi chính đáng các tổ chức, cá nhân khác, tạo thuận lợi thương mại nhưng phải bảo đảm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, nhất là các lĩnh vực liên quan tới sức khoẻ của người dân mà Bộ Y tế quản lý.
“Tiếp tục quán triệt tinh thần cắt giảm và không ban hành thủ tục hành chính không cần thiết, không phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước và làm nặng gánh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hậu kiểm thay vì tiềm kiểm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia cũng đề nghị Bộ Y tế và các bộ kết nối các thủ tục hành chính lên cơ chế một cửa quốc gia đúng tiến độ, đồng thời duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục.