Nhà văn, kỹ sư tâm hồn
Ban lãnh đạo cao cấp của Liên Xô, trong đó có lãnh tụ Stalin, Vyacheslav Molotov, Klim Voroshilov và Lazar Kaganovich, ngày 26/10/1932 đã có cuộc gặp mặt với các nhà văn Xôviết tại nhà của Maxim Gorky ở Moskva.
Bức tranh “Trách nhiệm là ở các đồng chí” (1960), tác giả: Anatoli Nikiforovich Yar-Kravchenko, Aleksei Petrovich Zarubin, hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Văn học, Moskva.
Đó là một ngôi biệt thự lộng lẫy trên phố Malaya Nikitskaya. Cuộc gặp mặt được tổ chức theo hình thức thân mật, có nhiều thức ăn ngon và rất nhiều rượu. Không có ai được phân công ghi tốc ký nội dung cuộc gặp nên còn lại về nó chỉ là những hồi ức của một số thành viên từng có mặt hôm đó.
Nhà phê bình văn học Korneli Zelinsky nhớ lại hình ảnh của lãnh tụ Statin hôm đó: “Stalin là một người tầm thước, không vạm vỡ lắm và hoàn toàn không có dáng oai vệ hoành tráng như người ta mô tả ông trong các bức tượng. Đó là một người rất vững chãi, gần như không có tóc bạc; tóc ông hơi ngả màu một chút ở hai bên thái dương, nhưng vẫn còn rất rậm và đen.” Ông rất hiếu động và hay cười, thậm chí lắm khi giậm chân dưới gầm bàn và tỏ ra rất khoái trá với những sự đang diễn ra...”
Chính trong cuộc gặp này, Stalin đã gọi các nhà văn là “những kỹ sư tâm hồn” và nói thêm rằng, sản xuất tâm hồn quan trọng hơn nhiều so với sản xuất xe tăng. Zelinsky nhớ lại, Stalin đã nhấn mạnh: “Có những ngành sản xuất khác nhau, làm ra pháo, xe hơi, máy móc. Các đồng chí cũng là những người sản xuất. Làm ra thứ mà chúng ta rất cần, một thứ sản phẩm rất thú vị, đó là tâm hồn con người”. Câu chúc rượu đầu tiên trong cuộc gặp mặt hôm đó của Stalin là: “Mọi ngành sản xuất của đất nước chúng ta đều gắn bó với ngành sản xuất của các đồng chí. Con người được chế tạo ngay chính trong cuộc sống. Nhưng các đồng chí cũng giúp cải tạo lại tâm hồn của họ. Đó là ngành sản xuất quan trọng – sản xuất tâm hồn con người. Và các đồng chí chính là các kỹ sư tâm hồn của con người. Và đây chính là lý do để chúng ta nâng cốc uống chúc sức khỏe các nhà văn!”
Theo nhà phê bình văn học Victor Shklovsky, mặc dù thuật ngữ “kỹ sư tâm hồn” thường được nhắc tới với cuộc gặp mặt trên ở ngôi biệt thự của Gorky nhưng thực ra, Stalin đã mượn thuật ngữ này từ nhà văn Yuri Olesha. Nhưng thuật ngữ “những nhà sản xuất tâm hồn” thì đúng là do chính Stalin nghĩ ra.
Cũng trong cuộc gặp đáng nhớ đó, giữa Stalin và nguyên soái Voroshilov đã nảy sinh một cuộc tranh luận nhỏ khi Voroshilov tỏ ý chưa tin hẳn vào sự vượt trội của “sản xuất tâm hồn” so với “sản xuất xe tăng”. Và Stalin đã nói: “Không đâu, đồng chí Voroshilov, các xe tăng của đồng chí không có giá trị gì hết nếu tâm hồn của chúng bị mục ruỗng. Không, sản xuất tâm hồn vẫn luôn quan trọng hơn sản xuất xe tăng!”
Lời phát biểu của lãnh tụ Stalin đã được cử tọa lắng nghe rất chăm chú. Stalin đã nói về dự định thành lập Hội Nhà văn Liên Xô, về những nhiệm vụ sáng tạo sẽ được đặt ra trước Hội Nhà văn này, về cơ sở vật chất của Hội. Ông cũng không quên nói về phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: “Người sáng tạo phải thể hiện cuộc sống một cách chân thực. Và nếu như anh ta thể hiện một cách chân thực cuộc sống của chúng ta thì anh ta không thể không nhận thấy, không thể không thể hiện những gì đang dẫn nó tới chủ nghĩa xã hội. Đó sẽ là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Khi nói về các nhiệm vụ sáng tác, Stalin đã hướng sự chú ý của các nhà văn tới lĩnh vực sân khấu: “… chúng ta hiện nay cần các kịch bản hơn tất cả. Sân khấu dễ tiếp nhận hơn. Người công nhân của chúng ta rất bận. Mỗi ngày phải làm việc tám tiếng ở nhà máy. Ở nhà thì bận gia đình. Làm sao mà có thời gian mà ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết dày? Sân khấu, đó chính là loại hình nghệ thuật mà hiện nay chúng ta cần hơn tất cả. Người công nhân dễ dàng xem kịch hơn. Thông qua sân khấu có thể dễ dàng biến các tư tưởng của chúng ta thành của nhân dân, đưa chúng vào quần chúng”.
Đề cập tới cơ sở vật chất của Hội Nhà văn tương lai, Stalin thông báo cho các nhà văn biết rằng, tại Moskva sẽ xây dựng Viện Văn học, thành phố nhà văn với khách sạn, nhà ăn, thư viện … Phát biểu trong cuộc gặp mặt này có Maxim Gorky, I. Gronsky, L. Averbakh, L. Seifullina. V. Ivanov, M. Koltsov, G. Nikiforov, L. Nikulin và một số người khác.
Như nhìn thấy trong tranh kèm theo bài, các nhà văn không có vẻ gì e sợ lãnh tụ cả. Theo lời kể lại, thậm chí trong lúc trò chuyện say sưa, Stalin còn tiết lộ cho các nhà văn biết chuyện Lênin khi mắc bệnh nặng có lần vì không muốn tiếp tục chịu những cơn đau thể xác đang hành hạ mình đã yêu cầu Stalin mang tới cho mình chất kali xyanua vì “đồng chí là người cứng rắn trong đảng”... Hơn thế nữa, Stalin đã làm ra vẻ mặt lạnh như băng khi nghe những lời mà các nhà văn tung ra ca tụng ông để cụng ly. Nhận thấy điều này, nhà văn Georgi Nikiforov với phong cách thẳng thắn của một cựu công nhân (trước khi trở thành nhà văn, ông này từng là thợ tiện, bốc vác, người chiếu phim), lúc này cũng đã ngà ngà say, bất ngờ hét vang cả căn phòng: “Chán rồi! Một triệu một trăm bốn bảy nghìn lần chúng ta đã uống chúc sức khỏe cho đồng chí Stalin! Có lẽ chính đồng chí ấy cũng chán nghe những lời như thế rồi...” Lãnh tụ ngay lập tức chìa tay qua bàn bắt tay nhà văn: “Cảm ơn anh, Nikiforov, anh nói rất đúng. Tôi cũng chán nghe rồi...” Sau này, Stalin cũng đã có lúc bày tỏ sự ưu ái đối với Nikiforov bằng cách công khai gọi ông là “một nhà văn không tồi”...
Có một câu chuyện khác tương tự về thái độ của Stalin đối với những lời chúc rượu hoa mỹ của các nhà văn đối với ông. Một lần, trong bữa tiệc chiêu đãi tại Điện Kremli, Stalin, tay cầm cái tẩu thuốc đỏ lửa, đi đi lại lại dọc theo cái bàn dài ngày lễ để kiên nhẫn nghe lời chúc sức khỏe từ nhà văn Aleksei Tolstoi. Càng nói, tác giả “Con đường đau khổ” càng cảm hứng thêm thắt các từ hoa mỹ. Cuối cùng, không chịu được hơn, Stalin đã lại bên cạnh Tolstoi và vỗ vai, bảo; “Cố gắng đủ rồi, bá tước ơi!”...
Nhưng nhìn chung, Stalin luôn có thái độ ưu ái đối với các nhà văn. Câu chuyện sau đây cũng liên quan tới Aleksei Tolstoi. Vào những năm 30, một lần, Aleksei Tolstoi tới thăm khu triển lãm các thành tựu kinh tế quốc dân Liên Xô (VDNKH). Trong gian hàng của nước cộng hòa Uzbekistan, ông đã đứng rất lâu trước một bức thảm sang trọng. Bức thảm này do hàng chục nữ công nhân cùng nhau dệt bằng tay trong mười năm, đó quả thực là một báu vật của nghệ thuật dệt thảm. Nhà văn tới chỗ giám đốc gian hàng xin được mua bức thảm đó. Vị giám đốc trả lời rằng, mặc dù vô cùng kính trọng nhà văn danh tiếng nhưng quả thực bức thảm đó là một tác phẩm bảo tàng, không thể để làm của riêng ai được... Về nhà, Aleksei Tolstoi vẫn cảm thấy thích bức thảm tới mức đã không đừng được và gọi điện thoại cho Stalin kể về việc viết cuốn tiểu thuyết “Bánh mì” đang dang dở của mình, mà trong đó có hình ảnh đồng chí Stalin và nền nông nghiệp nước nhà. Và nhà văn cũng than thở rằng công việc có lúc cũng không trôi chảy lắm vì thiếu tiện nghi cần thiết. Nhà văn cũng kể luôn về ước mơ sở hữu bức thảm quý báu của mình và than thở, thật tiếc là không thể mua được nó! Nghe xong, Stalin đáp:
- Không sao, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho quá trình sáng tạo của anh, một khi anh đã đề cập tới một chủ đề quan trọng như thế. “Bánh mì” của anh cũng cần như bánh mì trong đời thực. Anh không cần phải bận tâm tới chuyện cái thảm.
Ngay tối hôm đó, có hai chiếc xe tải chở tới căn hộ của Aleksei Tolstoi cái thảm tuyệt tác. Và chẳng bao lâu sau, nhà văn cho in cuốn tiểu thuyết “Bánh mì” mà trong đó, Stalin được ca ngợi như đấng cứu thế của nước Nga và cách mạng khỏi lực lượng bạch vệ, nạn đói và những thảm họa khác...
Tương truyền, khi vị quan chức trong đảng phụ trách về lĩnh vực tư tưởng tên là D.V. Polikarpov kêu ca với lãnh tụ về một số hiện tượng tiêu cực trong giới nhà văn như tệ nghiện rượu, lối sống không lành mạnh hay một số trò quậy phá khác, Stalin đã nói luôn với ông này: “Ở thời điểm hiện tại, đồng chí Polikaropv ạ, chúng tôi chưa thể cung cấp cho đồng chí các nhà văn khác được!” Nhà văn Anatoli Rybakov trong cuốn “Tiểu thuyết – hồi ức” của mình (xuất bản năm 1997), có kể: “Ít ai ở thời đó không biết tới câu nói nổi tiếng của Stalin với Polikarpov, khi ông này lên tiếng than phiền về các nhà văn: “Tôi không có các nhà văn khác cho đồng chí Polikarpov, nhưng tôi có thể tìm ngay ra đồng chí Polikarpov khác cho các nhà văn”. Thế là ngay sáng hôm sau, Polikarpov đã bị chuyển công tác tới làm hiệu phó phụ trách hậu cần tại trường đại học sư phạm.” Có một giả thuyết khác kể về nguồn gốc câu “Tôi không có nhà văn khác”. Theo đó, đây là câu mà Stalin đã nói với Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô Aleksei Fadeyev khi tác giả “Đội cận vệ trẻ” kêu ca về thói nát rượu của một số đồng nghiệp tài năng và nổi tiếng của mình.