Chuyện về 'Nữ tướng Việt Minh' Hà Thị Quế
Đồng chí Hà Thị Quế là cán bộ Việt Minh ngay từ ngày Mặt trận Việt Minh được thành lập, là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 1955 – 1960, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I – khóa thống nhất các tổ chức Mặt trận hai miền sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng; là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V và VI; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III và IV; là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Bà Hà Thị Quế.
Hà Thị Quế tên thật là Lương Thị Hồng. Chị sinh ngày 15/8/1921 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là hậu duệ của Trạng Nguyên, nhà toán học nổi tiếng Lương Thế Vinh.
Thừa hưởng truyền thống hiếu học của quê hương và dòng tộc, chị chăm học, lại thông minh nên học giỏi và thường được xếp vào tốp đầu lớp. Không chỉ giỏi văn hóa, chị lại có “đẳng cấp” về võ nên được bạn bè rất kiêng nể, không một nam giới nào dám bắt nạt. Sinh ra trong một gia đình mà cả bố, mẹ, chú ruột đều là những đảng viên cộng sản đầu tiên của Ninh Bình, dòng máu cách mạng đó đã thấm vào chị ngay từ lúc còn nhỏ.
14 tuổi, chị làm giáo viên cho Hội Cứu tế do người cha và chú ruột thành lập nhằm hưởng ứng “Bức thư Ngỏ” của Đảng Cộng sản Đông dương gửi các tổ chức đảng phái, các lực lượng dân chủ, các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đoàn kết chung trong một tổ chức Đông Dương Đại hội.
17 tuổi, chị tham gia Phường Cấy – một tổ chức tập hợp các chị em phụ nữ yêu nước của xã và sau đó được bầu làm Bí thư phụ nữ phản đế và đoàn thanh niên phản đế rồi Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc xã.
19 tuổi, chị được cử đi học lớp quân sự do Xứ ủy Bắc Kỳ mở tại Hiệp Hòa Bắc Giang.
20 tuổi chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và bước vào con đường của một nhà hoạt động cách mạng.
Ngày 1/9/1939 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương được đặt ra. Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1939 chỉ rõ: Tình thế lúc này là “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm vô luận là da trắng hay da vàng, tiến lên giải phóng dân tộc”.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, chị được Xứ ủy điều về Thái Bình tham gia Ban cán sự Tỉnh ủy Thái Bình, trực tiếp phụ trách hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải là những địa phương có phong trào phát triển mạnh. Chị cũng có thời kỳ được Xứ ủy điều động sang Nam Định để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sớm phục hồi phong trào sau khi bị địch khủng bố nặng.
Tháng 4/1944 chị được điều lên ATK II phụ trách ba huyện Hiệp Hòa, Phú Bình, Phổ Yên.
Với vị trí đặc biệt của Bắc Giang, nơi có nhiều cơ sở Đảng mạnh, có phong trào vững, có địa hình đồi núi hiểm trở, Thường vụ Trung ương Đảng đã tập trung xây dựng Bắc Giang thành một địa bàn cách mạng trọng yếu, một trung tâm liên lạc giữa Xứ ủy với Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh và Hà Nội.
Nhằm bổ sung cán bộ có năng lực và kinh nghiệm cho Bắc Giang, chị lại được Trung ương điều về “đóng đô” ở Yên Thế. Và tháng 6/1945 Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Bắc Giang được thành lập gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Bí thư và sau này là người bạn đời của chị. Còn chị được phân công phụ trách quân sự và đặc trách các huyện Yên Thế; Việt Yên và một bộ phận huyện Lạng Giang. Với trọng trách được phân công, chị tổ chức cho các đoàn thể, trước hết là nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc tập luyện quân sự, lập các đội du kích tập trung, tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” nhằm “cướp súng địch để diệt địch” như chủ trương của Trung ương đã đề ra.
Với những chiến công vang dội trong các cuộc tập kích để trừ gian, diệt phỉ, đánh Pháp, đuổi Nhật, bảo vệ vững chắc núi rừng Yên Thế - căn cứ địa của cách mạng do chị chỉ huy, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. “Nữ tướng Việt Minh” – cái tên mà bọn Pháp và Việt gian đặt cho chị, xuất hiện từ thời đó.
Đồng chí Hà Thị Quế là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đồng chí cũng là người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở Yên Thế. Để ghi nhớ chiến công dũng cảm vô song và đầy mưu lược của “Nữ tướng Việt Minh” trước cách mạng tháng Tám, tại chùa Nam Thiên thị trấn Nhã Nam hiện có tấm bia lớn khắc đậm nét hai câu:
“Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế,
Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”.
Như chị thường tâm tình với chúng tôi, những cán bộ Mặt trận có nhiều năm được làm việc với chị:
- Trong chiến đấu thì mình coi khinh địch, nhưng về “làm dâu” nhà anh Tỉnh thì quả là đáng ngại. Mình con gái vùng chiêm trũng, còn anh Tỉnh lại là trai Đình Bảng – nơi sản sinh ra Lý Bát Đế, làng rất coi trọng công – dung – ngôn – hạnh. Hôm đầu đưa mình về ra mắt mẹ chồng tương lai, anh Tỉnh đùa:
- Mẹ giục mãi, hôm nay con đã tìm được “Cô thợ cấy” về làm dâu mẹ đây.
Bà chẳng thèm nhìn mình, “choảng” luôn một câu:
- Làng này thiếu gì “gái sắc”, anh mang “cô thợ cấy” về để làm gì.
- Câu nói đó xúc phạm mình ghê gớm. Mình bỏ đi luôn.
Mất bốn tháng trời, anh Tỉnh, rồi vợ anh Lim (anh cả của anh Tỉnh) và cả bà cụ gặp gỡ, thuyết phục mình mãi mới cho qua. Và từ đó, chúng mình thành vợ thành chồng và đến nay đã có với nhau được 6 mặt con. Kết thúc câu chuyện, chị nhắc chúng tôi – lớp thanh niên trẻ:
- Ông cha ta có tổng kết: “gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt”. Các cậu còn trẻ, lập gia đình, cần lựa lời mà đùa, đừng đùa như trường hợp của chúng mình.
Năm 1950, tại Đại hội thống nhất phụ nữ cứu quốc với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội đồng thời tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân cứu quốc và được Trung ương phân công làm Phó ban nông nghiệp Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tháng 9/1960, và Đại hội IV họp tháng 12/1976 chị được bầu làm Ủy viên Ban Trung ương Đảng và Trung ương bầu chị làm Phó ban kiểm tra Trung ương. Nhận xét chung của nhiều đồng chí Trung ương thời đó là: chị thường “nhẹ tay” đối với các đồng chí nữ chẳng may vi phạm kỷ luật do chồng chiến đấu ở chiến trường xa và rất “nặng tay” đối với các ông nam giới chót bị kỷ luật về “quan hệ nam nữ”.
Năm 1961 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng chí Hà Thị Quế được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội và được Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách phong trào và năm 1974 tại Đại hội IV Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng chí được bầu làm Chủ tịch thay đồng chí Nguyễn Thị Thập. Chính đồng chí là người đề xướng và phát động các phong trào “Ba đảm đang” và “5 tốt” – những phong trào đã “vang tiếng một thời”, “đã có những đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng miền Bắc – hậu phương lớn của cả nước – và giải phóng miền Nam” như Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá trong bài phát biểu tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận.
Đồng chí Hà Thị Quế được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội liên tiếp 5 khóa từ khóa II ngày 8/5/1960 đến hết khóa VI ngày 28/4/1981. Với 21 năm trong Quốc hội, ở cương vị Ủy viên Ban công tác nông thôn (khóa II) rồi Phó ban kiểm tra Trung ương (khóa III và khóa IV) rồi Ủy viên Ủy ban kế hoạch và ngân sách Quốc hội (khóa V và khóa VI) đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một Quốc hội liêm chính, đoàn kết và vững mạnh.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn tới hòa bình thống nhất đất nước. Cùng với quá trình thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, ngày 24/5/1976 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong cả nước. Thực hiện Quyết định trên, từ ngày 10 đến ngày 12/6/1976 Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc được tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và cử đồng chí Hà Thị Quế làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thị Định làm Phó Chủ tịch thứ nhất cùng 8 vị. Phó Chủ tịch khác là các bà Lê Thị Xuyến, Hà Giang, Nguyễn Thị Minh Nhã, Vũ Thị Chín, Nguyễn Thị Dược, Nguyễn Thị Bình, Ngô Bá Thành, Nguyễn Thị Thanh. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được suy tôn là Chủ tịch danh dự.
Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên về đồng chí Hà Thị Quế.
Để mừng thành công của Hội nghị và chúc mừng ban lãnh đạo mới của Liên hiệp phụ nữ VIệt Nam, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiệc chiêu đãi rất thịnh soạn. Thực đơn gồm 24 món. Khoảng 12 giờ khuya, chị Quế chạy sang gõ cửa phòng tôi liên tục và dồn dập – Nguy to rồi Túc ơi… Chị em bị “tào tháo đuổi” hàng loạt. Em sang cùng chị báo cáo anh Xuân Thủy và anh Hoàng Quốc Việt để điều động gấp xe để đưa các bà, các chị đi Viện gấp. Đêm đó, gần một trăm chị em mà hầu hết là miền Bắc phải đi cấp cứu với lý do bụng chưa quen với nhiều món ăn Nam bộ nấu cốt nước dừa và nhiều mỡ.
Sắp đến ngày giỗ lần thứ 6 của “Nữ tướng Việt Minh”, xin ghi lại những điều được biết về chị như một nén nhang dâng lên bàn thờ chị.