Hồi ức về Việt Nam của các cựu chiến binh Xô viết: Người phụ nữ đầu tiên
Trong dịp lễ chúng tôi nhận được thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: ngày Hồng quân Xô viết 23/2/1968 tôi nhận quà tặng từ ông, 8-3 nhận thiếp chúc mừng từ Anh hùng Liên Xô. Đối với tôi đấy là niềm vui rất lớn, bởi chúng tôi được giáo dục từ những trang sách viết về các anh hùng trong chiến tranh và sách về anh hùng phi công huyền thoại Truyện một người chân chính của Boris Polevoi là một trong số được tôi yêu thích nhất.
Bà Liubov Ivanovna Rosliakova (bên trái) là người phụ nữ duy nhất trong các chuyên gia Liên Xô được Chính phủ khen thưởng.
Chiếc rèm treo bốn góc đầu giường
Cuối năm 1966 tôi được triệu tập đến Tổng cục 10 thuộc Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô để nhận thông báo về việc chuyển sang công tác tại Ban Tham mưu Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.
Về chuyện cử tôi sang công tác tại Việt Nam, không một ai được biết, kể cả gia đình. Ở Đảng ủy Bộ Thương mại nơi tôi công tác khi đó và làm giấy tờ xuất cảnh cho tôi, người ta rất băn khoăn bởi tôi không gọi tên nước đến công tác. Họ đòi tôi phải gọi tên nước và bảo rằng hay là tôi chuẩn bị sang Mỹ.
Hôm sau, ở Tổng cục 10, tôi phải báo cáo chuyện đó với đại tá A. A. Alexeiev, cuối ngày đó, một thành viên đảng ủy mang đến cho tôi giấy tờ đã đóng dấu xác nhận mà không có tên nước đến công tác, đồng thời xin lỗi tôi về sự thiếu tế nhị trước đó.
Cuối tháng 3/1967, tôi cùng đoàn chuyên gia bay từ sân bay quân sự Chkalov sang nước Việt Nam để – như ở Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu đã nói - thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ.
Đến Việt Nam khi đã rất khuya. Xung quanh im ắng. Vừa ra cửa máy bay, ùa đến tôi là bóng tối ngột ngạt và bầu không khí nong nóng ngai ngái. Ra đón chúng tôi có các đồng chí Việt Nam và lãnh đạo của chúng tôi. Giữa các chuyên gia đến Việt Nam chỉ có mỗi mình tôi là nữ. Từ sân bay chúng tôi được đưa đến khách sạn Kim Liên. Chuyển hết đồ của tôi vào phòng, thấy bảo sắp tới người của tôi sẽ đến đón. Còn lại một mình, tôi nhìn khắp lượt quanh phòng tôi sống. Tất cả đều rất thích, chỉ thắc mắc mỗi điều: người ta treo rèm trên bốn chiếc cọc sắt đầu giường để làm gì. Nhưng bởi vì sắp tới tôi sẽ phải đến chỗ làm việc, hơi đâu mà nghĩ, tôi thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, soi gương, tôi không còn nhận ra mình nữa: Khắp mặt mũi đã bị muỗi đốt. Đến bấy giờ tôi mới hiểu vì sao lại phải treo bức rèm đó: Ấy là để khỏi bị muỗi đốt. Về sau tôi biết cái đó được gọi là “màn”.
Tôi được đưa đến chỗ làm việc vào 7 giờ sáng (đấy cũng là bắt đầu giờ làm việc chung). Từ 12 đến13 giờ – bữa trưa, sau đó nghỉ ngơi đến 17giờ, còn sau 17giờ - tiếp tục làm việc trong đêm sâu hoặc đến sáng. Nghỉ sau bữa trưa là nhất thiết, bởi vì nóng bức và độ ẩm 99%. Nhiệt độ và độ ẩm ngày cũng như đêm, không có bất cứ hơi mát nào. Nghỉ ngơi sau bữa trưa, một phần sức lực đã được phục hồi.
Tôi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong phòng làm việc của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam - Thiếu tướng Grigori AndrievichBelov. Khi giới thiệu tôi với thiếu tướng, thấy mặt mũi tôi bị muỗi đốt khắp, ông hoảng hốt và trách sao không nói trước cho cô ấy về nguy hiểm của muỗi đốt, và ngủ phải mắc màn. Trong cuộc trao đổi với tôi, đồng chí G. A.Belov lưu ý rằng công việc sẽ rất nhiều, đồng thời phải thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng, bất kể thời gian, vì thông tin chỉ được chuyển về Moskva 2 lần một tháng bằng đường thư ngoại giao. Để kịp chuẩn bị và đánh máy tài liệu gửi Bộ Tổng tham mưu cho kịp chuyến thư định kỳ, đôi khi tôi phải làm việc từ sáng ngày hôm trước thông sang sáng ngày hôm sau.
Tất cả chúng tôi ở Việt Nam đều rất mong bưu điện ngoại giao đến, ngày đó bao giờ cũng là ngày hội lớn đối với chúng tôi, bởi vì thư nhà tới. Đường liên lạc khác để nối chúng tôi với gia đình và thân thích không có. Thư cho tất cả các chuyên gia đến rất nhiều, có khi vài bao tải.
Được một thời gian tôi chuyển đến ngôi nhà có 4 người là nhân viên Đại sứ quán. Mọi người rất thân thiện, giúp đỡ nhau tất cả những gì có thể. Nếu có cơ hội nhận bánh mì đen hay cá trích muối thì chia đều thứ quý hiếm đó cho tất cả, vui như hội.
Lần đầu nghe tiếng còi báo động
Khoảng đầu tháng 4 năm đó, tôi lần đầu tiên được nghe tiếng còi báo động, song chưa biết đấy là cái gì. Sau đó từ loa phóng thanh vọng lại mấy câu “Máy bay Mỹ! Máy bay Mỹ!”, hóa ra đó là báo động và người phát thanh viên thông báo về việc máy bay Mỹ đang đến gần, cần ẩn nấp vào các hầm trú bom đã đào sẵn ở hầu hết trong sân mỗi căn nhà và trên các con phố.
Tuy nhiên, cái được gọi là hầm tránh bom có vẻ không giống lắm. Trên thực tế đấy chỉ là một cái hố có nắp đậy, sâu khoảng 1,5 m và rộng chừng 0,5 m. Chiếc hố này quá nhỏ đối với tôi nên đầu tôi vẫn nhô lên khỏi hầm và không được bảo vệ. Nhận ra rằng chiếc hầm không thể cứu được tính mạng nên tôi nhảy lên và chạy ngược vào trong nhà, nơi có vẻ yên ổn hơn.
Hà Nội bị oanh tạc cả ngày, chỉ trừ lúc ăn trưa, còn buổi chiều và buổi tối thì bị ném bom dữ dội. Trung bình phi công Mỹ thực hiện từ 30-40 lần xuất kích mỗi ngày. Những ngày tháng đó hết sức gian khổ, đặc biệt vào ban đêm. Khi có tín hiệu báo động, tôi và các đồng nghiệp bật dậy khỏi giường, đứng trong khung cửa lối ra vào phòng ở của mình. Đôi khi những chỗ này lại là vị trí an toàn, tránh cho tường và trần nhà khỏi bị đổ sập và nhờ đó cứu được mạng người.
Ở chỗ làm, khi máy bay Mỹ ném bom, chúng tôi cũng chạy lại chỗ khung cửa mà đôi khi mọi người đứng đông kín. Lúc xảy ra trận ném bom, cảm giác thật kinh khủng. Tôi có cảm tưởng rằng chỉ một mình tôi là sợ hãi. Tuy nhiên có một lần tôi mạnh dạn hỏi đồng chí Thiếu tướng, anh hùng Liên Xô Vladimir Petrovich Senchenko, người từng tham gia chiến tranh vệ quốc vĩ đại, rằng ông ấy có sợ không. Đồng chí ấy trả lời rằng có sợ và thậm chí còn rất khiếp sợ. Chỉ có người đã chết mới không sợ chết, còn người đang sống thì luôn sợ chết, đó là điều hiển nhiên. Ông còn nói thêm rằng trongchiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, khi xảy ra oanh kích có thể nấp, chẳng hạn ở góc nhà, trong bụi cây hoặc chạy vào rừng,v.v... Còn trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bom trút xuống như rải thảm nên không còn chỗ mà nấp. Bom, nhất là bom bi có thể xuyên vào cả trong nhà, trong rừng, tóm lại là ở bất cứ đâu và con người không có nơi nào để ẩn nấp cũng như phương tiện nào để bảo vệ bản thân. Do vậy ở Việt Nam về mặt tâm lý cảm giác nặng nề hơn rất nhiều.
Sau cuộc nói chuyện này tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn như vừa trút được gánh nặng tâm lý. Tôi hiểu rằng tôi sợ hãi không phải vì tôi yếu đuối, vì là phụ nữ, mà hóa ra tất cả mọi người đều sợ, kể cả đàn ông.
Những đêm mất ngủ, đặc biệt là sau những đợt bom kéo dài, mới thấy: chẳng còn muốn ăn muốn uống, đến chỗ làm mắt cứ díp lại vì thiếu ngủ, chỉ ước được ngủ dẫu chỉ trong một tiếng đồng hồ. Nhưng cần phải làm việc, không ai giải thoát chúng tôi khỏi công việc vì địch ném bom. Chúng ném bom nổ chậm, bom bi... Về bom bi tôi còn nhớ rõ.
Vào một ngày mùa hạ đã diễn ra một đợt ném bom bi mà đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy khủng khiếp. Một quả bom rơi trúng góc nhà, nơi các cán bộ thuộc Phòng tùy viên quân sự Liên Xô đang sinh sống. Ngôi nhà đó hình như có 3 tầng. Toàn bộ một góc nhà bị phá sập tạo thành một cái hố sâu, còn các bức tường thì bom bi găm lỗ chỗ. Những ngôi nhà nằm bên cạnh và đối diện cũng bị hư hại. Rất may lúc đó mọi người đi làm hết nên không ai bị thiệt mạng. Sau trận ném bom chúng tôi bước vào một căn phòng của ngôi nhà bên cạnh (nơi đặt trạm y tế) thì thấy những lỗ bom bi chi chít trên bức tường dày khoảng 40 cm. Các viên bi rơi cả trên giường, trên bàn và cả sàn nhà. Đối diện căn nhà này là nhà của một cơ quan đại diện nước ngoài và nhà của tôi.
Tôi chợt nghĩ không hiểu căn phòng của tôi ra sao, và khi tôi bước vào thì nhìn thấy chiếc điều hòa nhiệt độ bị bom đánh văng ra ngoài phố, chiếc tủ lạnh nằm lăn lóc ở cuối căn phòng, các khung cửa sổ vỡ nát với những mảnh kính nằm vương vãi trên sàn, các cánh cửa bung khỏi bản lề. Không ai có thể bình thản nhìn cảnh tượng này, trong khi chuyến công tác mới chỉ bắt đầu...
Tôi đã thấy máy bay Mỹ đến
Sau một thời gian, có thông tin cho biết Mỹ rải truyền đơn nói rằng sẽ xóa sổ Hà Nội và phá con đê trên sông Hồng để nước tràn vào nhấn chìm mọi thứ. Những việc này sẽ diễn ra nhanh chóng đến mức chúng tôi không kịp chạy thoát đi đâu. Tôi thậm chí đã hình dung ra cảnh lụt lội... Tôi không biết bơi, vì vậy tôi đã nhắm một cái cây gần nhà. Cây cao và có những bông hoa đỏ. Trên cây có một cái cành to và tôi sẽ bám vào đó, tất nhiên là nếu kịp. Tôi nghĩ cái cây đó khó mà cứu được mạng sống, song về mặt tâm lý tôi đã chuẩn bị cho mình một “lối thoát”. Rất may là điều đó đã không xảy ra. Hà Nội bị ném bom cả ngày lẫn đêm, nhưng các chiến sĩ tên lửa Việt Nam cùng với các chuyên gia quân sự Liên Xô đã không để cho bọn Mỹ ném bom phá sập đê sông Hồng.
Mỹ ném bom ác liệt nhất là vào tháng 5/1967. Không quân Mỹ bắt đầu ném bom từ sáng sớm, bởi gần đến ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và ngày đó, 19 tháng 5 đã tới, chúng bắt đầu dội bom từ sáng, tôi vừa mới đến Đại sứ quán, đi trên đường lúc đó thật đáng sợ, thấy mặt đất rung chuyển, xung quanh vương vãi những mảnh đạn. Tôi luôn mang theo chiếc mũ cối được tặng nhân ngày 8 tháng 3 và luôn đội khi đi trên đường. Mỹ ném bom không ngừng nghỉ từ sáng đến trưa, sau đó thì nghỉ giải lao và chúng tôi kịp ăn trưa ở nhà bếp trong khoảng thời gian ấy. Nhưng chỉ ngay sau đó máy bay Mỹ tiếp tục ném bom, tưởng như ngày tận thế đã đến. Sau khi bom dứt, chúng tôi nhìn ra đường và nhìn thấy trên trời một chiếc máy bay Mỹ bị cháy đang rơi xuống gần nhà. Không ai biết nó sẽ rơi xuống đâu, vào nhà chúng tôi hay nhà hàng xóm. Có vẻ như nó đang rơi xuống đầu. Chúng tôi nhìn lên trời và sắp sửa từ biệt cuộc sống. Chỉ còn 1 giây nữa thôi chúng tôi có thể không còn trên đời này nếu chiếc máy bay nổ tung. Và không chỉ chúng tôi, mà còn tất cả những người đang sống trong ngôi nhà này và xung quanh đó nếu chiếc máy bay rơi xuống với cái bụng đầy bom.
Chiếc máy bay rơi thấp dần, bay về phía nhà chúng tôi và Câu lạc bộ quốc tế, mà phía sau là Đại sứ quán Liên Xô. Chúng tôi chết lặng nhìn về phía vang lên tiếng nổ kinh khủng đến mức trong vài giây tôi không còn nghe được gì. Sực tỉnh lại, chúng tôi chạy về phía một ngọn lửa dữ dội đang bốc lên. Khi đến nơi chúng tôi nhìn thấy chiếc máy bay rơi xuống con phố ngay sát hàng rào Đại sứ quán, thân máy bay cắm sâu xuống lòng đất, bên trên chỉ còn lại đôi cánh.
Thật may mắn là nó không rơi vào Đại sứ quán và trên khoang cũng không có bom. Tuy nhiên trong bình xăng vẫn còn nhiên liệu nên nó bốc cháy, nhưng điều này không đáng sợ. Khi chiếc máy bay phát nổ, một số căn phòng của Đại sứ quán bị sập trần và bay cửa sổ, song may mắn không ai bị thương. Chúng tôi còn chưa kịp trấn tĩnh lại thì địch lại tiếp tục ném bom, và có thông tin rằng sớm muộn Mỹ cũng sẽ phá hủy con đê. Một lúc sau, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng G. A. Belov đến gặp tôi và ra lệnh xuống hầm tránh bom ở gần Sứ quán, trong khuôn viên Cơ quan đại diện thương mại Liên Xô. Tôi nhanh chóng chạy tới đó. Lần đầu tiên tôi thấy một chiếc hầm tránh bom thực sự. Lúc này trong hầm đã có nhiều người và chúng tôi ngồi dưới đó rất lâu. Trên đầu nghe tiếng gầm rú làm rung chuyển trần và vách hầm cũng như cả một vùng đất xung quanh, rồi dần dần tất cả trở nên im ắng. Có ai đó dũng cảm thò lên nhìn ra phố, sau đó trở lại chỗ cũ và vui vẻ thông báo, trời mưa to, có thể chúng ít ném bom hơn, bởi vì tầm nhìn kém. Quả nhiên, máy bay địch nhanh chóng quay đầu về nơi xuất phát – những hàng không mẫu hạm ở vịnh Bắc Bộ.
Chúng tôi thật mừng vì cơn mưa đó kéo dài và chúng tôi thầm mong không bao giờ ngớt.
Điều kiện sống của chúng tôi ở Việt Nam - địch ném bom ồ ạt, nóng và ẩm không chịu nổi như thể suốt ngày ngồi trong lò hơi. Ngay cả ghế đá trên phố cũng ươn ướt vì hơi ẩm. Trang phục của chúng tôi lúc nào cũng không phải là ẩm, mà ướt át, dính bết, mồ hôi chảy dọc lưng và đầu ngón tay lúc nào cũng có mồ hôi. Mồ hôi loang khắp nên làn da cháy như thể vừa quệt qua cây tầm ma. Thêm nữa là muỗi mòng, chúng thoắt ẩn thoắt hiện, bay thành hàng đàn, không mặc quần áo thì chúng “ăn thịt”.
Sau những trận ném bom kéo dài, khi ăn không ngon, ngủ không yên, vì ẩm ướt, mồ hôi và côn trùng cắn, tôi bắt đầu bị đau tim, hệ tiêu hóa làm việc kém và các ngón tay sưng phù lên. Các bác sĩ quân y Ivan AlexeiIvanov và Ivan Georgievich Peregudov đã khẩn thiết khuyên tôi trở về Moskva để tránh tình trạng xấu hơn. Tôi từ chối với lý do tôi sẽ phải giải thích thế nào khi về đến Moskva? Vì tôi không hoàn thành nhiệm vụ ư - tôi không thể chấp nhận điều này dù họ có khuyên tôi thế nào đi chăng nữa. Tôi đồng ý với mọi biện pháp chữa trị mà họ đề nghị. Tôi bắt đầu được tiêm và cho uống các loại thuốc viên, bôi và băng bó các ngón tay sưng phồng của tôi. Tôi cảm thấy khá hơn nhưng tôi vẫn chưa tháo băng trong một thời gian dài. Vì vậy, một số người khi chào hỏi tôi họ không dám bắt tay nữa vì tưởng rằng tôi bị một căn bệnh truyền nhiễm nào đó. Để xua tan những nghi ngờ này, đôi khi tôi phải tháo băng để lộ những ngón tay sưng phồng. Tôi rất biết ơn các bác sĩ A. I. Ivanov và I. G. Peregudov vì đã làm tất cả để tôi có thể thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, mà nhờ đó tôi được nhận Huân chương Lao động vẻ vang. Trong suốt thời gian chiến tranh ở Việt Nam, tôi là người phụ nữ duy nhất trong các chuyên gia Liên Xô được Chính phủ khen thưởng.
Và đây: hương vị táo quê nhà
Trong dịp lễ chúng tôi nhận được thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: ngày Hồng quân Xô viết 23/2/1968 tôi nhận quà tặng từ ông, 8-3 nhận thiếp chúc mừng từ Anh hùng Liên Xô. Đối với tôi đấy là niềm vui rất lớn, bởi chúng tôi được giáo dục từ những trang sách viết về các anh hùng trong chiến tranh và sách về anh hùng phi công huyền thoại Truyện một người chân chính của Boris Polevoi là một trong số được tôi yêu thích nhất.
Hai lần trong năm, tàu thủy “Đất Lớn” chuyển thực phẩm đến và chúng tôi mua sắm đủ cho đến chuyến sau, chủ yếu là đồ hộp. Đôi khi có những đặc sản: bánh mì đen đóng trong gói kín để khỏi khô cứng, bánh mạch sấy đựng trong hộp sắt. Đối với chúng tôi, thích hơn cả là trứng cá hồi, tôm và giò. Có lần có cả táo tươi và chúng tôi ứa nước miếng chờ khi họ chuyển vào cửa hàng. Mùi táo thơm lan khắp phố, lan tỏa hương vị Tổ quốc, gia đình, ngon như thể trước kia chưa bao giờ được thưởng thức. Một phần tôi đem chia cho những người Việt lao công khu nhà, đó là những người đàn bà đôi khi mang theo con nhỏ. Có lần, một người mang đến đứa con trai học lớp 4 và đề nghị tôi nói tiếng Nga với nó. Tôi hỏi tên cháu là gì, học lớp mấy, có anh em hay không. Cháu trả lời tốt bằng tiếng Nga và bảo là rất muốn sang xem Moskva và quảng trường Đỏ. Tôi khen cháu về kiến thức tiếng Nga, đãi cháu kẹo và bảo mẹ cháu rằng cháu làngười ham hiểu biết.
Người Hà Nội đối xử với chúng tôi tốt, nhiều người biết tiếng Nga. Đối tốt với chúng tôi đặc biệt là trẻ con. Thường tôi đi trên phố, có đám trẻ con chạy theo và reo: “Liên Xô! Liên Xô!”. Họ nhìn ngắm rất chăm chú và mỗi bé đều muốn đụng đến người Liên Xô. Người lớn quan tâm đến trẻ con: báo động phòng không vừa vang lên, họ lập tức đến lôi trẻ con xuống hầm. Phố vắng không, nét mặt họ thay đổi theo tiếng gầm rú của máy bay Mỹ hoặc máy bay Việt Nam. Trong ánh mắt họ biết bao sợ hãi khi máy bay Mỹ đến gần! Và biết bao hy vọng, tin yêu khi họ đưa mắt tiễn những chiếc MiG!
Tháng 3/1968 là thời điểm chuyến công tác của tôi kết thúc. Tôi đã chuẩn bị đóng gói đồ đạc về nước, song hết tháng 3, tháng 4 rồi đến tháng 5 vẫn chưa có người sang thay. Người ta cho biết ở Moskva đã làm thủ tục cho người sang thay tôi nhưng vào phút chót người ấy đã từ chối lên đường vì không muốn đến một nơi có điều kiện khốc liệt như vậy. Những tháng chờ đợi thật dài, rồi đến tháng sáu. Vào cuối một ngày làm việc, Trung tướng V. N. Abramov (nay đã qua đời) là người sang thay Thiếu tướng G. A.Belov, gọi tôi đến phòng làm việc cho biết Chính phủ Việt Nam tặng tôi Huy chương Hữu nghị và thông báo ngày trao. Ngày ấy đã đến, nhân lễ trao huy chương có một bữa tiệc nhỏ. Tôi cùng các sĩ quan tham mưu đoàn chuyên gia, đứng đầu là đại tá A. I. Sidiakov, được thủ trưởng Cục đối ngoại Tổng tham mưu Việt Nam gắn huy chương Hữu nghị, trang trọng và tưng bừng. Trong bữa tiệc, tôi được nghe những lời tốt đẹp và dễ chịu về mình.
Và vào cuối tháng 7 cũng có người sang thay tôi. Vì vậy, thay vì 1 năm ở Việt Nam, tôi đã ở tới 1 năm 4 tháng. Trở về Moskva, một tháng sau tôi được cử sang một xứ sở mới đối với mình – Tiệp Khắc. Ở đó bắt đầu xảy ra những sự kiện nổi tiếng khác –tháng 8-1968. Nhưng đấy lại là đề tài của hồi ức khác.
Từ đó đến nay đã 42 năm trôi qua, nhiều thứ đã rơi vào quên lãng, duy chỉ có chuyến công tác Việt Nam là tôi không bao giờ quên.
Bà Liubov Ivanovna Rosliakova sinh ngày 23/6/1939 tại Chardzhou (Turkmenistan ngày nay). Bà đã học khoa Sử trường MGU, ra làm việc tại Học viện Không quân mang tên Zhukov ở Moskva. Phục vụ tại ban Tham mưu Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ tháng 3/1967 đến tháng 6/1968. Chuyên viên chính tại Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga (từ 1971). Được tặngnhiều Huy chương Lao động các loại,100 năm nguyên soái Zhukov, 200 năm Bộ Quốc phòng Nga và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam. |