Tổng điều tra dân số và nhà ở: Chính xác, đầy đủ, nhanh gọn và tiết kiệm
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương vừa họp phiên thứ nhất vào chiều 19/11 nhằm tổng hợp các công việc đã triển khai và chuẩn bị cho Tổng điều tra sẽ diễn ra từ 0h ngày 1/4/2019.
Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra, giúp Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về việc chuẩn bị Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 từ cuối năm 2017.
Tới tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, sẽ có 10 nội dung điều tra gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động-việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Tới tháng 8/2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã ra Quyết định về Phương án tổng điều tra năm 2019. Hiện nay, các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các cấp chính quyền từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tới cấp xã đều đã thành lập ban chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa của Tổng điều tra đối với việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược cho giai đoạn 2021 - 2030, xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội 2021 - 2025 của đất nước. Các kết quả điều tra cũng góp phần tạo cơ sở giám sát hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng lưu ý bối cảnh của cuộc điều tra lần này khác năm 2009 ở trình độ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin nên yêu cầu dữ liệu đầu ra phải đầy đủ, chính xác nhất, thời gian ngắn gọn nhất và chi phí tiết kiệm.
“Dữ liệu đầu ra cần góp phần phản ánh các vấn đề lồng ghép liên quan tới vấn đề dân tộc, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo mà Quốc hội vừa mới thảo luận, quyết nghị hay các vấn đề sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhất là việc sắp xếp lại địa bàn tổ dân phố, khu dân cư xã, huyện chủ yếu liên quan tới 2 chỉ số dân số và diện tích”, Phó Thủ tướng nói.
Nhắc lại việc điều tra về gia đình chính sách, người có công cách đây 10 năm, Phó Thủ tướng cho biết cả Quốc hội và Chính phủ đã “việt vị” khi số liệu thực tế cao hơn với số liệu điều tra, khiến Chính phủ rất vất vả khi triển khai chính sách nhà ở cho người có công.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng dữ liệu đầu ra cũng cần làm rõ, chính xác nhiều chỉ tiêu phục vụ cho xây dựng và triển khai chính sách như dân cư nông thôn và lao động nông nghiệp, dân số với tình trạng di dân tự do của các tỉnh, thành phố, nhà ở người có công, nhà ở của người thu nhập thấp, lao động trong khu vực chính thức, phi chính thức...
“Không phải 10 năm trước ta có chỉ tiêu như nào, phương pháp như nào thì ta lại làm y như vậy, phải bám sát thực tiễn, nhất là khai thác triệt để tiện ích của công nghệ thông tin để điều tra để làm rõ chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị công tác chuẩn bị, tổng duyệt cho tổng điều tra phải kết thúc vào quý IV/2018, bảo đảm chất lượng thông tin trên cơ sở đầy đủ các mẫu điều tra, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, văn hoá của Việt Nam để Đảng, Nhà nước đánh giá, quyết định đúng các kế hoạch, chiến lược của quốc gia; có kế hoạch truyền thông, thông tin rộng rãi, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nhận được sự hợp tác sâu rộng trong toàn xã hội.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho biết, các nội dung điều tra đã được Tổng cục làm riêng với từng bộ, ngành và tham khảo chuyên gia quốc tế. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác các nội dung, chỉ số thống kê.
Thời gian thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4/2019. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7/2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV/2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II/2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV/2020.