Đảng Dân chủ lên kế hoạch phản công chính quyền Trump
Đảng Dân chủ (Mỹ) đang thảo luận về kế hoạch sử dụng quyền lực mà họ mới có được ở Hạ viện để thắt chặt hoạt động bán vũ khí của Mỹ ở nước ngoài - một động thái có thể khiến Tổng thống Donald Trump khó tiếp tục các thỏa thuận bán vũ khí cho một số quốc gia trên thế giới.
Các thỏa thuận buôn bán vũ khí của chính quyền Tổng thống Donald Trump gặp khó khăn hơn. (Nguồn: AP)
Chặn thỏa thuận vũ khí
Kế hoạch cuối cùng hiện vẫn chưa được công bố, nhưng các vòng thảo luận đang diễn ra. Quyết định cuối cùng sẽ nằm trong tay một số nghị sỹ có quyền lực như lãnh đạo đảng Dân chủ Nancy Pelosi, hay một số nghị sỹ đảng Cộng hòa- như Jim McGovern - người sẽ giữ vị trí quan trọng ở Hạ viện, và có quan điểm hạn chế buôn bán vũ khí.
Tổng thống Trump vốn đã cần phải thông báo trước nhiều ủy ban trong Quốc hội về bất kỳ thỏa thuận bán vũ khí lớn nào, trong vòng 30 ngày trước khi giới chức Mỹ hoàn tất các điều khoản. Và trong khoảng thời gian đó, Quốc hội có thể ngăn chặn một thỏa thuận. Và nếu thỏa thuận có được thông qua, nó cũng có thể bị Tổng thống phủ quyết hoặc bị đại đa số các nhà lập pháp bác bỏ.
Ở Thượng viện, mọi thành viên đều có thể gây sức ép để bỏ phiếu bác bỏ một thỏa thuận mua bán vũ khí vào khoảng thời gian 10 ngày sau khi nó được trình lên Quốc hội, nếu như Ủy ban Đối ngoại không đề cập tới nó. Đảng Dân chủ đã nhiều lần sử dụng thứ quyền lực này để ngăn chặn các gói hàng vũ khí của Mỹ chuyển cho Arab Saudi để phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Yemen. Còn ở Hạ viện, các thành viên khó có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu như vậy.
Trong lúc mà đảng Cộng hòa còn nắm giữ cả 2 viện trong Quốc hội, phía đảng Dân chủ khó có thể tạo ra sức mạnh cần thiết để ngăn chặn các thỏa thuận mua bán vũ khí. Tuy nhiên, sau khi giành được Hạ viện trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, họ có thể thông qua các quy định mới ở Hạ viện, cho phép bất kỳ thành viên nào trong cơ quan này được kêu gọi tranh luận về thỏa thuận mua bán vũ khí.
Theo đảng Dân chủ, việc phát triển và sản xuất công nghệ vũ khí của Mỹ được thực hiện bởi các công ty lớn như Lockheed Martin hay Boeing. Và quá trình đó đòi hỏi nguồn vốn hỗ trợ khổng lồ từ Chính phủ Mỹ dưới dạng tiền hỗ trợ nghiên cứu - thử nghiệm. Những bên mua vũ khí ở nước ngoài có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền hỗ trợ nghiên cứu - thử nghiệm này, trừ khi Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ chấp nhận “giảm giá” cho họ.
Trong vòng 5 năm qua, số tiền mà Chính phủ Mỹ chi cho các chương trình “giảm giá” như vậy đã lên tới gần 16 tỷ USD - theo Văn phòng Kiểm toán Chính phủ; trong khi các công ty vũ khí và Chính phủ các nước mua vũ khí được hưởng lợi.
Thay đổi nhiều chính sách
Giới chuyên gia từ lâu đã cho rằng các thỏa thuận mua bán vũ khí - được tăng cường dưới thời chính quyền Tổng thống Trump - không hề mang lại lợi ích cho người dân Mỹ như ông Trump từng tuyên bố. Chuyên gia phân tích William Hartung, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế (CIP), cho hay các thỏa thuận mua bán vũ khí thường yêu cầu sản xuất ở nước ngoài, bởi vậy không tạo nên công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Các nghị sỹ đảng Dân chủ sẽ tận dụng thế đa số mới lập được tại Hạ viện để đảo ngược những gì mà họ cho là cách tiếp cận theo chủ trương không can thiệp của các nghị sỹ đảng Cộng hòa đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump. Đảng Dân chủ có thể thúc đẩy biện pháp ứng phó cứng rắn hơn với Nga, Arab Saudi và Triều Tiên.
Nghị sỹ đảng Dân chủ Eliot Engel - người có nhiều khả năng trở thành lãnh đạo Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hạ viện - cho biết phe Dân chủ cũng có thể đẩy nhanh quá trình Quốc hội thông qua việc sử dụng vũ lực tại những nơi như Iraq và Syria. Với việc giành thế đa số tại Hạ viện, phe Dân chủ sẽ có vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách chi tiêu và viết lại luật pháp.
Liên quan tới mối quan hệ với Arab Saudi sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát sẽ bỏ phiếu cho đạo luật ngăn chặn các thương vụ vũ khí với Riyadh. Động thái này sẽ gây khó khăn cho việc thông qua một thỏa thuận năng lượng hạt nhân, từ đó chấm dứt hành động tiếp nhiên liệu của máy bay Mỹ và các hoạt động hỗ trợ khác trong chiến dịch ở Yemen.
Mặc dù xem Arab Saudi là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, đảng Dân chủ cho rằng Washington cần đòi hỏi nhiều hơn từ Riyadh.