Sao lại chết... vì mưa?
Chỉ với một áp thấp nhiệt đới (bão số 8 suy yếu hình thành) mà TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã có tới 13 người chết, 11 người bị thương và 4 người mất tích.
Trận sạt lở trên nằm ngoài sức tưởng tượng của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa Lê Tấn Bản, còn Phó Chủ tịch TP Nhà Trang Lê Huy Toàn thì... bất ngờ. Một số ý kiến cho rằng số người thương vong nhiều là do lượng mưa quá lớn trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một tác nhân được liệt kê trong nguyên nhân gây thiệt hại.
Hàng chục ngôi nhà bị san phẳng sau vụ sạt lở núi kinh hoàng ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, sáng 18/11.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 18/11 bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to... Điều đó có nghĩa việc tỉnh Khánh Hòa nói chung và TP Nhà Trang nói riêng có mưa, thậm chí mưa rất to là điều đã được cảnh báo trước, chứ hoàn toàn không hề bất ngờ.
Và để đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng đồi, núi không bị vùi lấp khi đất đá sạt lở, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan phải đưa ra cảnh báo, thậm chí nếu cần phải cưỡng chế người dân di dời đến nơi an toàn, tránh thiệt hại phát sinh do thiên tai. Song, ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương cũng bị “bất ngờ” thì làm sao có thể đưa ra cảnh báo nguy hiểm cho người dân, hay có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho họ?! Trong trường hợp này, chỉ có ai thính tai, nhanh chân chạy thì mới thoát được tử thần mà thôi.
Về vấn đề đô thị hóa nhanh khiến hệ thống thoát nước không đảm bảo tải khi mưa lớn cũng chỉ là một cách lý giải thiếu cơ sở. Nha Trang đã được đầu tư 93,6 triệu USD để thực hiện Dự án “Cải thiện vệ sinh môi trường”, với mục tiêu “giảm ngập lụt, tăng cường vệ sinh môi trường một cách bền vững, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Nha Trang”. Ấy vậy nhưng sau khi Dự án hoàn thành (năm 2014), chất lượng đời sống người dân chưa biết có được nâng cao hay không, nhưng chỉ với một trận mưa đã cướp đi 13 sinh mạng.
Còn lý do chỉ trong vòng 6 tiếng lượng mưa đo được đã lên tới gần 320mm, tạo dòng chảy siết gây sạt lở dẫn đến số người thương vong lớn cũng khó thuyết phục được dư luận. Xét về lý thuyết đúng là lượng nước càng lớn thì dòng chảy càng siết và sẽ làm xói lở những nơi mà nó đi qua. Song, vấn đề ở đây là cái sự chảy siết, tai họa sạt lở đã được báo trước chứ không phải phát sinh bất ngờ, tại sao thiệt hại về người và tài sản vẫn lớn như vậy? Vậy thì nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản là do ý thức chủ quan của con người, không thể đổ lỗi cho tự nhiên.
Cũng có ý kiến cho rằng, do TP Nha Trang ít khi phải hứng chịu sự tàn phá của thiên tai, bão lũ nên thiếu “kinh nghiệm” phòng chống. Xin thưa ngay rằng, đây cũng lại chỉ là một cách lý giải không thuyết phục. Đơn cử ngay ở Thủ đô Hà Nội thôi, vốn là địa phương còn ít phải hứng chịu bão, lũ, sạt lở hơn nhiều mà từ ngành NNPTNT đến các địa phương cũng còn phải rành rẽ nguyên tắc phòng chống thiên tai, chứ đừng nói đến một địa phương ven biển như Nha Trang, Khánh Hòa. Phòng chống thiên tai không phải chỉ dựa vào kinh nghiệm, mà phải được trang bị kiến thức khoa học, được đào tạo những “bài” phòng chống dựa trên các tình huống giả định.
Trong nhiều năm qua, khá nhiều địa phương mỗi khi xảy ra hậu quả nặng nề của thiên tai đều đổ lỗi cho tự nhiên, hầu như rất ít nếu như không muốn nói là không có địa phương nào nhận trách nhiệm chủ quan của con người. Đó chính là lý do mà cứ mỗi mùa mưa bão đến lại có hàng trăm người chết, bị thương và mất tích, nhưng năm sau con số đó không những không giảm mà có khi còn tăng cao hơn năm trước. Vì sao? Đơn giản là vì khi người ta không thấy lỗi của bản thân, không nhận ra trách nhiệm của mình thì chẳng bao giờ có thể sửa sai cả. Mà đã không có biện pháp sửa sai thì đương nhiên hậu quả thiệt hại xảy ra là điều đương nhiên, khó tránh.
Vậy nên, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản mỗi khi xảy ra thiên tai, không chỉ riêng ở bất cứ địa phương nào, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan hữu trách cần nghiêm túc kiểm điểm và rút ra được bài học xương máu, để có biện pháp khắc phục, tránh để tái diễn hậu quả đau lòng, hay thậm chí còn thảm khốc hơn. Khi con người ta thực sự cầu thị thì mới có thể tiến bộ, mời có thể sửa sai, tránh được vết xe đổ trước. Còn nếu vẫn không nhận ra phần lỗi của cá nhân, tập thể, đơn vị mình thì hậu quả cuối cùng vẫn là những người dân gánh chịu. Nên chăng trong một số trường hợp phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí nếu cần truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, phòng ngừa đối với những người cố tình vô trách nhiệm đối với sự an nguy của người dân.