Lai Châu: Đầu tư phát triển cây chè
Niên vụ trồng chè năm 2018 kết thúc, toàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu trồng được 424,8ha, vượt so kế hoạch đề ra. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc để có cây chè sinh trưởng, phát triển tốt trong mùa đông giá lạnh và hanh khô, cho hiệu quả kinh tế.
Chè Than Uyên nức tiếng thơm ngon.
Thực hiện kế hoạch trồng chè năm 2018, toàn huyện Than Uyên đã trồng mới gần 425 ha chè, vượt gần 110 ha so với kế hoạch tại 6 xã: Phúc Than, Mường Kim, Tà Mung, Ta Gia, Khoen On, Tà Hừa với cơ cấu giống chè Shan, PH8. Hiện nay, cây chè trên địa bàn sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây chè sống đạt 95%.
Ông Nguyễn Văn Thăng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết, trước khi bước vào vụ trồng chè năm 2018, Phòng phối hợp các địa phương tổ chức lớp tập huấn cho bà con về cách làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân, hướng dẫn phòng chống sâu bệnh hại. Tuy nhiên, năm nay mưa nhiều, cỏ lên tốt, phòng chuyên môn đã khuyến cáo bà con làm cỏ, tụ cỏ gốc chè, giữ ẩm chè trong mùa đông lạnh và khô hanh. Bên cạnh đó, phòng cùng các xã trong vùng quy hoạch đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của tỉnh, huyện về chính sách phát triển chè đến người dân. Từ đó, giúp người dân hiểu lợi ích cây chè mang lại để cùng tham gia bảo vệ.
Các địa phương trong vùng trồng chè thường xuyên cử cán bộ phụ trách các bản bám sát cơ sở, giải đáp những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với chú trọng chăm sóc, các địa phương cũng chủ động trong bảo vệ diện tích chè mới trồng. Các thôn bản đã xây dựng quy ước, hương ước về cấm chăn thả gia súc phá hoại chè.
Về xã Mường Kim, huyện Than Uyên vào những ngày trung tuần tháng 10, chúng tôi bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con đang chăm sóc chè trên địa bàn bản Mường 1, Mường 2, Là 1, Là 2…
Bên cạnh những cây chè mới trồng đang vươn lên tươi tốt, ông Lê Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim cùng một số cán bộ đang hướng dẫn bà con cách làm cỏ, vun đất vào gốc chè. Những hộ trồng chè ở Mường Kim cũng được phổ biến, hướng dẫn một số kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây chè, cách bón phân làm cỏ, sử dụng các loại phân bón phù hợp, cách sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn phát hiện, phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây chè từ khi trồng đến lúc trưởng thành.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Thái Sơn cho biết: “Nhận thấy, hiệu quả mang lại đối với cây chè được trồng ở một số xã trong huyện nên xã đã đưa cây chè vào canh tác. Năm 2018, toàn xã Mường Kim trồng được trên 150ha chè tại các bản: Là 1, Là 2, Mường 1, Mường 2, Nà É 1, Nà É 2. Hiện nay, tỷ lệ sống đạt khoảng 96%. Người dân tham gia trồng chè được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha tiền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ 100% giống, phân bón; hỗ trợ 48ha giống mắc ca trồng xen chè”.
Chị Hoàng Thị Ngoi ở bản Mường 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, chia sẻ: “Gia đình đã trồng xong 1ha chè, hiện nay cây chè đang sinh trưởng, phát triển tốt. Được cán bộ xã hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân tôi đã nắm được qui trình để áp dụng cho toàn bộ diện tích trồng chè năm nay”.
Tổng diện tích chè toàn huyện Than Uyên có 828,1ha; trong đó chè kinh doanh 104ha, sản lượng chè búp tươi đạt 350 tấn, chè kiến thiết cơ bản 299,3ha, chè trồng mới năm 2018 là 424,8ha. Cây chè đang tạo ra bước thay đổi căn bản về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tư duy, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Than Uyên. Từ đó, góp phần giải quyết lao động địa phương, tăng thu nhập ổn định cho bà con dân tộc thiểu số.