Sống khổ sở bên mỏ đá vôi

Lê Minh 21/11/2018 07:30

Việc nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá vôi của Công ty cổ phần xi măng Đồng Lâm (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm nhà cửa xung quanh nứt nẻ, cuộc sống bị đảo lộn khiến người dân rất bức xúc.

Sống khổ sở bên mỏ đá vôi

Người dân bức xúc, lo lắng vì khai thác mỏ đá vôi của Công ty cổ phần xi măng Đồng Lâm làm nhà cửa nứt nẻ.

Nhà máy xi măng Đồng Lâm được khởi công xây dựng vào năm 2011, đi vào hoạt động cuối năm 2014 do Công ty CP xi măng Đồng Lâm làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng trên tổng diện tích là 190 ha.

Theo người dân sống ở xã Phong Xuân, việc nổ mìn làm cả khu vực xung quanh rung chuyển, rạn nứt nhà cửa trong bán kính 500m tính từ bờ mỏ; các hộ dân sinh sống gần tuyến đường băng tải bị ảnh hưởng khói, bụi. Ngoài ra, đội xe vận chuyển nguồn nguyên liệu tận thu từ mỏ đá ra khỏi phạm vi nhà máy chở quá tải, chạy tốc độ cao gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng đường xá, gây bụi vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa…

Chỉ tay về phía mỏ đá, ông Nguyễn Văn Tốn (74 tuổi) cho biết: Mỏ đá này được khai thác vào năm 2014, từ đó hàng trăm hộ dân sống ở 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quãng Lộc (xã Phong Xuân) luôn sống trong tình trạng sợ hãi.

“Mỗi lần nổ mìn khai thác là cả khu vực dân cư lân cận rung chuyển, nhiều căn nhà trong thôn bị nứt nẻ làm chúng tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Nhà tôi ở cách khu nổ mìn khoảng 300 m, bị nứt thì đã được hỗ trợ bằng tiền, xi măng nhưng như vậy về lâu dài cũng không bền vững được. Chúng tôi mong chính quyền phối hợp với nhà máy xi măng sớm có biện pháp để người dân ổn định cuộc sống”- ông Tốn lo lắng nói.

Cách nhà ông Tốn không xa, nhà bà Nguyễn Thị Thu (48 tuổi) cùng chung hoàn cảnh. Sau khi dẫn chúng tôi đi xem các vết nứt trong căn nhà của mình, bà Thu thở dài cho biết thêm, nổ mìn xong là đất đá văng khắp mặt ruộng; hoa màu cũng chết héo do khói thuốc nổ và nước ngầm cạn khô, đất đai như vậy không thể trồng trọt gì được nữa.

Theo thống kê, có 127 công trình và nhà ở hộ dân nằm trong phạm vi 500 m thuộc 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc, Cổ Xuân (Quảng Lộc) bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có 24 hộ dân bị ảnh hưởng tiếng ồn và môi trường của băng tải xe vận chuyển; 25,82 ha đất sản xuất lúa 2 vụ bị mất nước.

Được biết, từ năm 2017 đến nay UBND xã Phong Xuân đã phối hợp với Công ty cổ phần xi măng Đồng Lâm khảo sát nhằm hỗ trợ cho dân theo 2 hướng: hỗ trợ tiền cho người dân tự sửa chữa hoặc để công ty tiến hành sửa chữa. Công ty đã chi hỗ trợ cho 106 hộ dân, đình làng, nhà thờ họ, nhà văn hóa với số tiền gần 500 triệu đồng để người dân tự sửa chữa; đồng thời cũng đã sửa chữa cho 19 nhà dân với tổng số tiền là 580 triệu đồng…

Tuy nhiên, nhiều người dân của xã Phong Xuân cho rằng đây chỉ là cách làm mang tính tạm thời, hoạt động nổ mìn vẫn gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bà con có nguyện vọng được di dời, tái định cư đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 11/2018 huyện Phong Điền đã tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Phong Xuân. Ông Nguyễn Đại Vui- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhìn nhận, qua đối thoại cho thấy bức xúc của người dân là đúng. Trước mắt, chính quyền xã Phong Xuân cần phối hợp với Nhà máy xi măng Đồng Lâm xem xét lại những nhà đã sửa chữa, nếu tiếp tục rạn nứt thì phải có phương án sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo cuộc sống người dân. Về lâu dài, xã phối hợp với Nhà máy xi măng Đồng Lâm có phương án cụ thể để di dời người dân nằm trong khu vực cách bờ mỏ 300m và phải hoàn thành trong năm 2019. Mục đích làm sao người dân phải ổn định cuộc sống mà hoạt động công nghiệp phải ổn định.

Lê Minh