Tìm vốn đầu tư cầu Rạch Miễu 2
Là một trong những siêu dự án hạ tầng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2, nối TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) và TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), dù rất cấp bách nhưng lại chưa tìm ra được phương án khả thi, nhất là nguồn vốn đầu tư.
Cầu Rạch Miễu đang quá tải trầm trọng.
Được quy hoạch từ năm 2016, dự án cầu Rạch Miễu 2 có thiết kế tương tự cầu Rạch Miễu hiện hữu, song song và cách cầu cũ 3,8 km về phía thượng nguồn. Tổng nguồn vốn đầu tư vào dự án là khoảng hơn 5.500 tỷ đồng. Sau khi xây dựng, cầu sẽ giảm áp lực phương tiện trên cầu Rạch Miễu hiện hữu và nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến quốc lộ 60 nối liền nhiều tỉnh khu vực miền Tây gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng đang được cải tạo, nâng cấp.
Cách đây hơn 1 năm, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) - nhà đầu tư đang triển khai dự án BOT nâng cấp mở rộng QL60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên - đề xuất xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức BOT. Theo CII, đến năm 2021 dự án này sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, sau những rắc rối tại các trạm thu phí BOT thời gian qua, và đặc biệt là trên tuyến QL 60 (khi sửa chữa hoàn thành) sẽ có 2 trạm thu phí. Nếu tiếp tục đặt thêm một trạm BOT nữa thì trong khoảng cách chưa tới 100 km từ cầu Cổ Chiên tới cầu Rạch Miễu 2 sẽ có 3 trạm BOT. Đây là phương án không khả thi, bởi vậy, CII đã rút lui không thực hiện dự án này.
Cách đây ít ngày, theo tin từ Ban Quản lý dự án 7 (thuộc Bộ GTVT) thì dự án này sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Hàn Quốc. Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã quyết định trình Chính phủ phương án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bằng nguồn vốn vay ODA. Dự án này sẽ gồm 2 phần, gồm phần cầu chính bắc qua sông Tiền và phần đường dẫn dài 9 km nối từ cầu Hàm Luông tới cầu Rạch Miễu 2. Cầu và đường dẫn có chiều rộng 15 - 17 m, dành cho 4 làn xe hỗn hợp. Tổng vốn đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, trong tình hình nợ công đang có chiều hướng tăng cao, việc tiếp tục vay vốn xây dựng công trình hạ tầng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.