Lợi nhuận thu về thấp hơn lãi vay ngân hàng là khó chấp nhận
“Với tư cách là chủ sở hữu vốn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, tổng công ty cần giao với mức cao để chỉ những người phải cố gắng hết sức mới thực hiện được, chứ không thể ai cũng có thể hoàn thành được. Trong đó, lợi nhuận thu lại không thể thấp hơn lãi suất cho vay phải cao hơn gấp 2 lần so với lãi suất cho vay” - ông Nguyễn Đình Cung đề nghị tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN diễn ra sáng nay 21/11.
Ông Nguyễn Đình Cung.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) Nguyễn Đình Cung, cổ phần hóa (CPH) mục đích là nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Thời gian qua chúng ta đã tái cơ cấu trên 3 mảng vấn đề. Đó là, áp đặt, buộc các DNNN hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nâng cao hiệu lực quản trị, thông qua áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế, sau đó mới là CPH. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung hiện chúng ta mới tập trung vào CPH, thoái vốn dù hai mảng đầu tiên quan trọng hơn. Về mặt áp đặt nguyên tắc thị trường, theo ông Cung, nhiệm kỳ này có tín hiệu khá tích cực, không áp đặt, không còn chuyện cấp vốn tái cơ cấu, bù lỗ cho các DNNN thua lỗ nữa.
Tuy nhiên, với vấn đề áp dụng nguyên tắc thị trường với DNNN còn 3 điểm yếu. Đó là, chưa tính đúng, đủ chi phí, khi CPH mà mới đánh giá lại tài sản của DNNN theo giá thị trường mà đáng lẽ phải đánh giá lại tổng tài sản của tất cả các DN theo giá thị trường là bao nhiêu, nếu không sẽ không nhìn thấy hết giá trị thực của DNNN.
Thứ 2, chủ sở hữu vốn nhà nước mới giao cho người quản lý các DNNN chỉ tiêu về lợi nhuận rất thấp, thấp hơn cả lãi vay ngân hàng là điều khó chấp nhận.
Thứ 3, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, không được tuyển dụng, trả lương cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động theo nguyên tắc thị trường. Đặc biệt, vấn đề buộc các DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường, theo thông lệ quốc tế còn có khoảng cách rất xa. Kể cả với những nguyên tắc rất đơn giản như công khai, minh bạch thông tin tưởng dễ làm để nâng cao được quản trị thông tin, nhưng DNNN không làm hoặc rất chậm.
Góp ý cho phương hướng hoạt động thời gian tới, ông Nguyễn Đình Cung đề nghị, nên tiếp tục củng cố thiên về chất lượng CPH không chạy theo số lượng. CPH là để chuyển những tài sản yếu kém thành tốt, cái đã tốt rồi thì tốt hơn chứ không phải ngược lại.
Đặc biệt, với tư cách là chủ sở hữu, ông Cung đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, tổng công ty với tiêu cao, để chỉ những người phải cố gắng hết sức mới thực hiện được, chứ không thể dễ quá ai cũng có thể hoàn thành. Trong đó, lợi nhuận thu lại không thể thấp hơn lãi suất cho vay phải cao hơn gấp 2 lần so với lãi suất cho vay.
Hãy gây áp lực chọn đầu tư, không đầu tư tràn lan, nên đầu tư vào DN có tỉ suất lợi nhuận cao đạt tới 20-30% chứ không dàn trải. Có như vậy, sau vài năm mới có tập đoàn kinh tế lớn. Vì sao phải định hướng như vậy, theo ông Cung, hiện nay các DN đứng thứ 500 trong danh mục các tập đoàn lớn nhất thế giới năm 2017 có doanh thu 24 tỉ đô, còn 3 DNNN lớn nhất của ta là cả 3 đơn vị gồm Viettel, PVN EVN mới đạt 11 tỉ đô. Như vậy, ông lớn nhất của ta còn chưa đạt bằng ½ ông thấp nhất của thế giới.
Về quản trị công ty vị Viện trưởng Viện CIEM đề nghị phải tháo bỏ ràng buộc với DNNN để họ tự chủ kinh doanh. Xác định những ngành nghề kinh doanh còn làm thế nào để nội bộ tự quyết định. Trong thời gian qua hành chính hóa rất nhiều quyết định kinh doanh, phải ưu tiên thay đổi.