Vụ vỡ 'hồ nhân tạo' ở Khánh Hòa: Trách nhiệm thuộc về ai?
“Trong trường hợp này 4 mạng người trong cùng 1 gia đình bị tử vong vậy thì đền bù thế nào?” - bà An cho rằng, lãnh đạo địa phương phải xem xét lại toàn bộ hậu quả và xử lý nghiêm minh.
Ngày 22/11, liên quan đến vụ hồ bơi thuộc Dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú nằm trên đỉnh núi Hòn Xện, thôn Hòa Trung, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vỡ làm giật sập 10 ngôi nhà, khiến 4 người trong một gia đình tử vong vào chiều ngày 19/11, trao đổi với ĐĐK, PGS. TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phê duyệt dự án.
Bà An nhìn nhận, việc thu hút đầu tư vào để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là cần thiết, bởi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, trong đó có việc tạo công ăn việc làm, hấp dẫn du lịch là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi chấp nhận phê duyệt dự án thì phải đánh giá tác động đến vùng đó.
Theo bà An, chuyện xảy ra là vô cùng lớn, mất 4 mạng người trong 1 gia đình. Do vậy trách nhiệm đầu tiên chính là người phê duyệt. Thứ hai, là sự giám sát, thực thi đối với Dự án này, từ giám sát trong quá trình thi công cho đến hậu giám sát; và đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đặt vấn đề: “Trong trường hợp này 4 mạng người trong cùng 1 gia đình bị tử vong vậy thì đền bù thế nào?” - bà An cho rằng, lãnh đạo địa phương phải xem xét lại toàn bộ hậu quả và xử lý nghiêm minh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần vào cuộc và xem xét trách nhiệm của từng người, xử lý nghiêm minh để tránh lặp lại một sự việc đau lòng như vậy.
Ở góc độ khoa học trả lời về việc có được phép xây dựng một công trình hồ nước ở độ cao trên 60m còn bên dưới là khu dân cư sinh sống hay không? Bà An nhấn mạnh rằng, các quy định về các hồ chứa nước cơ quan chức năng đã quy định rất nghiêm ngặt. Vì vậy, việc quyết định phê duyệt dự án phải dựa trên cơ sở khoa học cũng như mức độ an toàn.