Đẩy mạnh cải cách để xứng đáng là đầu tầu

Nguyên Khánh 22/11/2018 23:40

Chiều 22/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu làm việc với UBND TP Hà Nội về thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Các ý kiến tại cuộc làm việc cho thấy Hà Nội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Tuy nhiên, Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách hơn nữa để xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt cả nước.

Đẩy mạnh cải cách để xứng đáng là đầu tầu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính tại quận Hoàn Kiếm.

Nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã có nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự minh bạch trong giải quyết công việc.

Hà Nội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả việc tinh giản bộ máy, tinh giảm biên chế. Điển hình như TP đã chuyển 106 đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính, cắt giảm 8.700 biên chế. Công tác quy hoạch không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng có nhiều tích cực, nhiều công trình được xây dựng khang trang, hiện đại; công tác quản lý trật tự đô thị cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phê duyệt các dự án đầu tư công khai, minh bạch hơn, kiểm soát chặt hơn, thanh tra tốt hơn. Các vấn đề người dân bức xúc, dư luận quan tâm được TP giải quyết rất tốt….

“Chúng tôi rất mừng là dù làm quyết liệt như vậy, cải cách, sắp xếp, tinh giảm mạnh như thế nhưng đơn thư của TP Hà Nội lên Chính phủ rất ít. Thực hiện giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị làm rất tốt nên số lượng đơn thư, số lượt công dân lên phòng tiếp dân của Trung ương cơ bản giảm” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội một số vấn đề với mong muốn “đã tổ chức thực hiện rồi thì thực hiện tốt hơn, làm rồi thì làm tốt hơn để luôn luôn là TP đi đầu cả nước”. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, TP quan tâm hơn đến cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước. Trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, Hà Nội cần quan tâm đến sự đồng bộ, quan tâm đến đô thị hóa, nhất là những khu vực sau khi được mở rộng. Tính toán tỷ lệ dân cư trong nội đô và ngoại đô cho phù hợp. “TP làm sao gắn kết, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh” - ông Dũng nêu.

Thủ tướng cũng đề nghị, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, rà soát và cắt gọn thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Một nội dung nữa được Thủ tướng lưu ý, Hà Nội là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; củng cố xây dựng chính quyền các cấp mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân.

Vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định “Hà Nội đang là điểm thu hút đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Hà Nội cần phải cải cách mạnh mẽ hơn chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tạo môi trường bình đẳng hơn nữa cho các doanh nghiệp. Đồng thời quan tâm giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị bằng giải pháp thông minh.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn nói rằng, dù đã có nhiều chuyển biến nhưng nếu so sánh với TP Hồ Chí Minh thì việc giải quyết công việc của Hà Nội vẫn còn có những vấn đề nhất định. Chẳng hạn, về việc giải quyết công việc đăng ký kinh doanh, bổ sung danh mục đăng ký kinh doanh thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch-Đầu tư thì ở TP.Hồ Chí Minh giải quyết công việc rất nhanh, còn ở Hà Nội vẫn còn cảm giác “nhiêu khê”, chậm hơn.

Về đóng góp vào tăng trưởng, ông Cung cũng cho rằng, lẽ ra Hà Nội phải là cực tăng trưởng, là đầu tàu dẫn dắt cả nước. Tuy nhiên, hiện tăng trưởng GDP của Hà Nội chỉ đạt khoảng 7,4%, trong khi cả nước là 6.7%. Điều này cho thấy, đóng góp GDP của Hà Nội vào cả nước là chưa nhiều. “Hà Nội phải đạt 10% mới xứng đáng, mới đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Hà Nội có đủ tiềm năng để đạt được điều đó”, ông Cung nói.

Nguyên Khánh