Di tích, công trình kiến trúc tại TP Hồ Chí Minh: Cần được bảo tồn với tư cách thành phố di sản
Ngày 22/11, Sở Du lịch TP HCM phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn TP HCM.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung xoay quanh: thực trạng công tác phát triển du lịch di sản văn hóa tại TP HCM; những cơ hội và thách thức đặt ra đối với việc phát triển du lịch di sản văn hóa trong thời gian tới; các chính sách, mô hình, cách làm hay của các địa phương, giải pháp để khơi dậy, phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, hiện TP HCM có 172 di tích được xếp hạng. Với hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa. Loại hình du lịch này đang được xem là một trong ba sản phẩm có lợi thế của ngành Du lịch Thành phố (đó là du lịch văn hóa lịch sử, du lịch MICE, du lịch ẩm thực). Trong thời gian qua, du lịch di sản văn hóa trên địa bàn thành phố tập trung vào hai loại hình chủ yếu là du lịch gắn với di sản văn hóa vật thể và du lịch gắn với di sản văn hóa phi vật thể.
Ông Vũ cho rằng, việc phát triển du lịch di sản văn hóa góp phần quan trọng trong việc phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng sống xung quanh khu vực có di sản. Tuy nhiên không phải tài nguyên du lịch văn hóa nào, di sản văn hóa nào cũng được đưa vào khai thác phục vụ du lịch.
PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, TP HCM cần được bảo tồn với tư cách là một Thành phố di sản/di sản đô thị gắn với phát triển du lịch bền vững. Cũng theo ông Bài, ngành Văn hóa và ngành Du lịch của Thành phố cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau đặc biệt nên thiết lập một danh mục các di tích, các công trình kiến trúc tiêu biểu cần được bảo tồn để các kiến trúc sư quy hoạch có cơ sở tham chiếu.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP HCM Lê Cẩm Tú cho rằng, quan điểm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn phải được cụ thể hóa bằng từng chính sách, từng hành vi ứng xử cụ thể trong chuỗi hoạt động phát triển du lịch nói chung, du lịch di sản nói riêng. Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch, là chất liệu tạo nên sản phẩm du lịch. Vì thế, giữa du lịch và di sản văn hóa có một mối gắn kết vốn có. Mối gắn kết này sẽ ngày càng bền chặt khi di sản văn hóa ngày càng được gìn giữ, tôn tạo một cách hài hòa, khoa học tạo nên sức thu hút thú vị đối với du khách.