Lo dinh dưỡng học đường
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể tại nhiều trường học trên cả nước. Mới đây nhất, ngày 14/11, Trường mầm non Xuân Nộn tổ chức liên hoan ăn tự chọn cho giáo viên và học sinh. Một ngày sau buổi liên hoan, cùng lúc nhiều học sinh có các biểu hiện: sốt cao, nôn trớ, đi ngoài...
Tổng số có 223 trẻ mầm non và hai giáo viên bị ngộ độc. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Salmonella type 2 (loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột, nóng, sốt, đau bụng tiêu chảy...)
Trước đó, ngày 3/10, tại Trường Tiểu học bán trú Xín Cái (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) sau khi học sinh ăn sáng tại bếp ăn của trường 150 học sinh có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài…
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng Thư kí Tổng hội Y học Việt Nam, nếu vấn đề an toàn thực phẩm không được quan tâm và gây ra ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ em sau này.
Thống kê gần đây của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng có giảm trong nhiều năm qua nhưng mức giảm không đáng kể. Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn ở mức có sức khỏe cộng đồng. Với tỷ lệ suy dinh dưỡng như hiện nay, tính trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân và 4 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ bị thấp còi. Còn ở các thành phố lớn, bên cạnh số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ thì một số trẻ lại rơi vào cảnh thừa cân, béo phì.
Một điều đáng buồn là không chỉ trẻ suy dinh dưỡng mà ngay cả trẻ thừa cân cũng rơi vào tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Hiện cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu máu. Ở bậc tiểu học, điều tra tại 6 tỉnh thành cho thấy tỷ lệ thiếu máu là 11,8%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 7,7% và có gần một nửa trẻ em tiểu học (48,9%) ở tình trạng thiếu vitamin A giới hạn . Tỷ lệ thiếu vitamin D của trẻ em tiểu học dao động từ 46 - 58%. Tỷ lệ vitamin D huyết thanh thấp dao động từ 12 - 19%.
PGS. TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Suy dinh dưỡng ở trẻ em, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc thiếu quy định chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường. Bữa ăn học đường xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh nên mỗi nơi một kiểu. Bản thân các trường học cũng xây dựng thực đơn theo kinh nghiệm chứ chưa dựa trên khuyến cáo khoa học.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy bữa ăn học đường góp phần không nhỏ vào việc cải thiện thể lực, trí lực của học sinh. Ở nước ta, bữa ăn học đường đã có mặt ở hầu hết các trường học, ngoài băn khoăn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì vấn đề cốt yếu là chất lượng ra sao, thành phần dinh dưỡng thế nào hầu như còn đang bỏ ngỏ.