Bão số 9 gây ngập lụt các tỉnh Nam Trung bộ, nhiều điểm sạt lở

Thùy Trang 25/11/2018 18:10

Trưa 25/11, bão số 9 đã đổ bộ vào tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu và TP HCM, do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Nam Trung bộ đã có mưa to đến rất to, cộng với lưu lượng nước ở các hồ xả lũ ngày một tăng, làm ngập úng cục bộ ở nhiều nơi, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng đã bị tê liệt hoàn toàn ngay từ sáng sớm.

Bão số 9 gây ngập lụt các tỉnh Nam Trung bộ, nhiều điểm sạt lở

Người dân khánh hòa chống chọi với mưa lũ.

Tại xã Cam Phước Tây, toàn bộ diện tích hoa màu của người dân đã bị ngập úng. Các cầu tràn đến nay đã ngập nước, xã cắt cử lực lượng túc trực tại đây, không cho người dân qua lại.

Ông Lê Tấn Long - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết đã có 1 căn nhà của người dân (thôn Văn Thuỷ 1) bị sụp vách tường, không có thiệt hại về người. Tại xã Cam Hoà, khoảng 20 ha đìa nuôi tôm, cá của 30 hộ dân tại thôn Văn Tứ Đông bị vỡ, thiệt hại chưa ước tính được. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường liên thôn bị xói lở, người dân lưu thông khó khăn; khoảng 25 hộ dân bị chia cắt do nằm tại các vùng trũng, tập trung ở khu vực đìa nuôi trồng thuỷ sản, xóm Cát của thôn Văn Tứ Đông, gần đập Ông Tán...

Có mặt tại xã Suối Cát, theo phóng viên ghi nhận được, nhiều tuyến đường đã bị ngập, người dân không thể lưu thông, nhiều nhà dân cũng đã bị ngập nước.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Cam Lâm, do ảnh hưởng từ mưa lớn, nhiều diện tích hoa màu, cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản của người dân bị thiệt hại, tuy nhiên đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác. Nhờ công tác chuẩn bị ứng phó kịp thời, không có thiệt hại về người. Tại xã Cam Thành Bắc có một căn nhà bị xói lở móng do nước chảy xiết, có nguy cơ sập, địa phương đã di dời gia đình về nơi an toàn, gia cố chống sập cho căn nhà; tại thị trấn Cam Đức cũng có một căn nhà bị xói lở móng, địa phương đã huy động 20 dân quân phối hợp với 30 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 101 để gia cố, chống sập. Đến nay, toàn huyện đã có 32 hộ với 69 nhân khẩu có nhà có nguy cơ sập đổ do mưa lớn được di dời.

Trao đổi với phóng viên, lúc 13h30 chiều nay (25/11), ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Cam Lập, TP Cam Ranh cho biết, trận mưa lớn trong sáng cùng ngày đã gây thiệt hại nặng cho người dân trên địa bàn. Cụ thể 45 hộ trên địa bàn có khoảng 60 ao đìa bị mưa lớn tràn về làm vỡ bờ bao, trôi hết tôm và ốc. Thiệt hại ban đầu ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Cũng theo lãnh đạo xã Cam Lập, tại đường nối liền 2 thôn Nước Ngọt và Bình Lập đã bị nước lũ cuốn trôi một đoạn dài đến 50m, gây chia cắt giữa hai thôn.

Trong khi đó, tại xã đảo Cam Bình, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh thông tin, mưa lũ đã làm sập 2 ngôi nhà trên đảo Bình Ba, trôi một số tài sản của người dân. Rất may không có thiệt hại về người.

Bão số 9 gây ngập lụt các tỉnh Nam Trung bộ, nhiều điểm sạt lở - 1

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Nha Trang, đến 11h, ngày 25/11, thành phố đã di dời 1.398 hộ dân với 5.818 người. Các xã, phường phải di dời nhiều dân là Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái, Vĩnh Lương, Vĩnh Phước. Thành phố ghi nhận thêm 15 điểm xung yếu phát sinh so với phương án phòng chống thiên tai đã lập.

Tại các điểm có nguy cơ sạt lở phải sơ tán dân, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường đã bố trí lực lượng dân quân trực nhằm bảo vệ tài sản cho người dân, đồng thời, kịp thời vận động người dân nếu họ có ý định quay lại vùng nguy hiểm. Hiện có 1.524 tàu, thuyền đang neo đậu an toàn tại các vị trí; có 391 lao động trên 189 trên các lồng bè đã di dời, chủ yếu lên các đảo.

Vào lúc 9h30 ngày 25/11, 1 tàu cá ký hiệu KH9647TS, công suất 198CV của ông Phan Vĩnh (trú Vũng Ngán, Vĩnh Nguyên) đã bị phá nước chìm tại Vũng Ngán.

Trên địa bàn thành phố có các điểm ngập úng cục bộ gồm: Đại lộ Nguyễn Tất Thành, khu vực trước Trường Chính trị tỉnh; khu vực Đồng Muối, tổ 3 Phước Tín và tổ 3 Phước Thành (phường Phước Long) bị ngập nhẹ; dọc Tỉnh lộ 3 xã Phước Đồng đi Cam Lâm nước ngập chảy xiết nguy hiểm.

Về các hồ chứa trên địa bàn: hồ Suối Dầu thông báo điều tiết nước 50 m3/s lúc 9h ngày 25/11; hồ Am Chúa điều tiết nước 2,463 m3/s; hồ Kênh Hạ lúc 10h mực nước dâng lên 36,3 m, lưu lượng xả qua tràn 0,8 m, đã tiếp tục cho xả thông qua cống xả đáy.

Nhờ có sự chủ động với phương châm 4 tại chỗ, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị quân đội của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn đã nhanh chóng cơ động lực lượng, phương tiện đến các khu vực xung yếu để giúp đỡ nhân dân ứng phó.

Ngay trong cơn mưa lớn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương cơ động lực lượng, xe thiết giáp, xuồng đến các khu vực xung yếu bị ngập, sạt lở đất trên địa bàn TP Nha Trang và các huyện, thị trong tỉnh để ứng cứu người và di chuyển tài sản của người dân đến nơi an toàn.

Có mặt tại thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, TP Nha Trang để chỉ huy lực lượng giúp dân tại đây, Đại tá Ngô Quang Trung – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nhờ có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nên khi xảy ra các tình huống do mưa lũ, lực lượng của các đơn vị đã kịp thời xuống địa bàn để giúp dân”. Tại đây, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp di dời 34 hộ dân trong khu vực gần chân núi cùng những tài sản, vật dụng đến nơi an toàn; sử dụng đá, bao đất xếp thành kè để chắn dòng nước từ trên núi đổ xuống không gây sạt lở sát vào nhà dân.

Theo tổng hợp nhanh của các địa phương, đến thời điểm này, tại TP Phan Thiết, 33 chiếc thuyền máy (công suất < 20CV) đã bị chìm và hư hỏng. Trong đó, Phường Mũi Né 2 thúng máy đứt dây neo thiệt hại. Sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến chiều dài 2,5 km và ngã đổ 2 hàng dừa và một số tường rào của hộ dân. Hiện tại các chủ khu du lịch đang huy động lực lượng của cơ sở dùng bao cát, vải bạt đắp kè để khắc phục tạm, đảm bảo an toàn. Từ KDL Làng Sen đến KDL Rạch dừa (dài khoảng 1,5 km), tuy được chủ cơ sở gia cố bằng kè túi vải (công nghệ Hà Lan) dọc ven biển, tuy nhiên sóng mạnh đang uy hiếp, khả năng gây hư hỏng, sạt lở là rất cao.

Tại huyện Tuy Phong, kè bảo vệ bờ biển Phước Thể bị sóng đánh sụp mặt kè làm sụp 25 m2 kè. Khu vực Trung tâm giống Chí Công, xã Chí Công bị sạt lở bờ biển dài 15m, sâu vào đất liền 1,0m; khả năng uy hiếp tuyến đường giao thông ĐT 716 của địa phương.

Tại huyện Phú Quý bị hư hỏng 2 chiếc tàu, trong đó có 1 tàu công suất 707 CV của ông Lê Thanh Ngọc - xã Tam Thanh neo tại cảng Phú Quý bị va đập và hư hỏng nhẹ; 1 chiếc xuồng nhỏ dưới 20 CV bị chìm tại Cảng vào tối ngày 24/11, hiện đang tiến hành trục vớt,…

Hiện nay mực nước sông các tỉnh Nam Trung bộ đang lên nhanh, một số sông đã đạt mức báo động 3 như sông cái Nha Trang, Sông Dinh, tỉnh Ninh Thuận.

Thùy Trang