Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho ngành thuế: Làm sao để hài hòa lợi ích?

Thúy Hằng 26/11/2018 08:00

Dự thảo Luật Thuế sửa đổi, đổi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến có đưa ra quy định Ngân hàng thương mại (NHTM) cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Điều này đang gây tranh luận từ nhiều phía.

Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho ngành thuế: Làm sao để hài hòa lợi ích?

Việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế còn nhiều ý kiến trái chiều.

Nắm tài khoản để thu đúng, thu đủ

Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.

Đặt trong bối cảnh nợ đọng thuế hiện nay lên tới hơn 31.000 tỷ đồng và nhiều doanh nghiệp (DN) chây ỳ không chịu nộp thuế, thì mong muốn yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng là dễ hiểu. Để thu đúng, thu đủ và chống gian lận thuế thì đây là một trong những giải pháp mà cơ quan thuế đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trên bình diện chung của pháp luật hiện hành, đề xuất phải cân đối giữa sự thuận lợi, đấu tranh của cơ quan quản lý thuế, đấu tranh tránh thất thu thuế nhưng cũng phải đảm bảo được quyền công dân, quyền tự do kinh doanh.

“Đối với đề xuất này của cơ quan thuế, đây là biện pháp để kiểm soát, chống thất thu, nợ đọng thuế không đòi được. Nhưng Luật phải quy định rất rõ ràng, trường hợp nào được làm? Ví dụ đã bị cơ quan thuế đưa vào diện trốn thuế, thì để phục vụ cho truy thu thuế, cơ quan thuế có quyền yêu cầu cơ quan khác phối hợp. Chứ tự nhiên đưa yêu cầu đó ra để đi xem và can thiệp vào các khía cạnh đời tư, nhân thân của công dân thì không được tán thành “ – ông Kiên nói.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng so sánh, ngay như với biện pháp chống khủng bố thế giới, các cơ quan quản lý để lấy được thông tin của các chủ tài khoản ở các ngân hàng Thụy Sỹ cũng phải trải qua các thủ tục pháp lý, ràng buộc chặt chẽ để lấy thông tin. Chúng ta cũng sẽ đi theo hướng quy định chặt chẽ, cụ thể để tránh lạm dụng quy định này ảnh hưởng tới quyền của công dân.

Ông Lưu Đức Huy - Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, Cơ quan soạn thảo đã kế thừa quy định tại Luật quản lý thuế về việc NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế; dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định này tại Khoản 2 Điều 27, quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, chỉ bao gồm thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế.

Ông Huy cho rằng, việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động.

Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm quốc tế: Mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế; đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính, tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp.

Sợ bị áp dụng tùy tiện

Giới chuyên gia cho rằng, quy định yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho ngành thuế này chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ, không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nêu quan ngại rằng nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế. Ngoài ra, VCCI cho rằng quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp mà thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.

Giới chuyên gia cho rằng việc ngân hàng có được thông tin cá nhân, tổ chức doanh nghiệp cũng phải theo quy định của Hiến pháp về quyền bảo đảm thông tin của cá nhân, trong đó có thông tin liên quan tới tài khoản ngân hàng. Theo đó, ngân hàng phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng.

Thúy Hằng