Mập mờ thống kê điểm đen giao thông
Các khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông cực lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kẹt xe được gọi là điểm đen giao thông ở TP HCM và là nỗi ám ảnh lớn của người dân. Theo thống kê của Sở GTVT thành phố thì ở TP HCM có khoảng hơn 30 điểm đen, trong đó có khoảng 10 điểm đen có diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Cụ thể, các điểm đen phức tạp gồm: Ngã 6 Công trường Dân chủ, khu vực Sư Vạn Hạnh - Thành Thái - 3 tháng 2, đường Trường Chinh, giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám, đường Nguyễn Thị Định, nút giao Mỹ Thủy, ngã tư Thủ Đức, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Theo đại diện Sở GTVT, đơn vị này sẽ tập trung giải quyết các điểm đen bằng nhiều cách kết hợp, trong đó có việc sửa chữa, nâng cấp và xây mới hạ tầng cũng như phân luồng các phương tiện giao thông. Có thể nói, đây là việc làm phù hợp với tình hình hiện nay nhưng lại không giải quyết được căn bản tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy, dù thống kê các điểm đen này liên tục giảm qua các năm nhưng tình hình giao thông ở TP HCM thực tế lại phức hợp hơn bởi mật độ phương tiện giao thông tăng cao.
Một chuyên gia về hạ tầng giao thông đô thị cho biết, việc giải quyết ùn tắc kẹt xe thông qua việc thống kê, xử lý các điểm đen giao thông là việc làm manh mún, chưa bền vững. Lấy ví dụ như “điểm đen” ở ngã 3 đường Trường Chinh-Cộng Hòa (quận Tân Bình) thì tình trạng thực tế là không chỉ xảy ra ùn tắc kẹt xe ở mỗi khu vực này mà toàn tuyến đường Cộng Hòa với chiều dài khoảng 4 km đều xảy ra tình trạng ùn tắc. Dù giải quyết, xóa được điểm đen giao thông ở điểm đen, thì việc việc lưu thông của người dân ở khu vực này cũng không dễ dàng hơn bởi toàn bộ tuyến đường này đều xảy ra tình trạng ùn tắc.
Việc xóa các điểm đen giao thông là việc làm cần thiết nhưng thực tế mới chỉ có các phương án tạm thời bởi về mặt bản chất, không thể tạo ra một môi trường giao thông thông thoáng bằng việc xử lý một vài nút giao cắt. Vì vậy, Sở GTVT, đơn vị chịu trách nhiệm về các dự án hạ tầng giao thông cần có cái nhìn toàn diện, tổng quan và lâu dài hơn để tạo ra một môi trường giao thông an toàn, thông thoáng cho người dân.