Ung thư vú: Sàng lọc sớm, chữa khỏi bệnh kịp thời
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K trung ương, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Việt Nam hiện nay đã tương đương với các nước phát triển trong khu vực.
Một ca phẫu thuật.
Kết quả sau 25 năm nghiên cứu
Thống kê cho thấy, năm 2013 tỉ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi là khoảng 24.4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26.4. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 phụ nữ mắc ung thư vú và trên 6.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đồng thời thường xuyên có 42.000 chị em mắc đang sống chung với bệnh. Đáng lưu ý, càng người trẻ mắc bệnh thì tiên lượng càng xấu.
Tỉ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng, người bệnh cũng ngày càng trẻ hóa song nhờ áp dụng các biện pháp mới trong chẩn đoán và điều trị, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Việt Nam đã tương đương với các nước phát triển trong khu vực.
Tại BV K tỉ lệ này đạt trên 75%, ngang với Singapore. Đây là một trong những kết quả của Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú.
Cụm công trình khoa học này vừa được nhận giải Nhất lĩnh vực Y dược Nhân tài Đất Việt năm 2018. Nhóm tác giả gồm GS.TS Trần Văn Thuấn cùng tập thể nhóm nghiên cứu BV K thực hiện.
Cụm công trình này là kết quả tổng hợp từ 3 đề tài cấp nhà nước, 3 dự án hợp tác quốc tế, 3 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài cấp cơ sở. GS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định đây là cụm công trình của tập thể, của các thầy các cô, nhiều thế hệ cán bộ y tế BV K từ trên 25 năm nay.
Bệnh nhân ngày càng trẻ hóa
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, cụm công trình nghiên cứu đã cho thấy xu hướng mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ ngày càng gia tăng. Điều đặc biệt là độ tuổi mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam trẻ hơn so với nhiều nước, bắt đầu tăng từ độ tuổi 30-34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỉ lệ là 135/100.000 dân.
Phân tích từ GS.TS Trần Văn Thuấn cũng cho thấy, tỉ lệ người trẻ mắc ung thư vú dương tính với gene HER 2 cao hơn với độ tuổi khác, càng thể hiện yếu tố tiên lượng xấu. Người trẻ mắc ung thư vú khả năng chữa khỏi cũng thấp hơn so với những người tuổi cao. Hơn thế, người trẻ mắc ung thư vú còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tâm lý và xã hội trong và sau điều trị. Do đó, điều quan trọng nhất là việc kết hợp nhuần nhuyễn các các phác đồ kỹ thuật hiện đại bởi các nhóm chuyên gia khác nhau đã giúp người phụ nữ không chỉ được chữa khỏi mà còn duy trì được hình thức thẩm mỹ của cơ thể, nâng cao chất lượng sống.
Được biết, 80% bệnh ung thư vú liên quan tới các yếu tố ngoại sinh như lối sống hiện đại rượu bia, khói thuốc, chế độ ăn nhiều năng lượng, ít rau xanh, dùng thuốc nội tiết hỗ trợ... Một số yếu tố nội sinh có liên quan tới ung thư vú có thể kể tới như, phụ nữ không sinh con hoặc sinh con nhưng không cho con bú mẹ, yếu tố gen di truyền. Theo GS Nguyễn Bá Đức- Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, thành viên của cụm công trình nghiên cứu nói trên: nguyên nhân ung thư vú chưa được xác định rõ, nhưng lối sống có liên quan tới căn bệnh này.
Điều trị khỏi nếu phát hiện sớm
GS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định, ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi. Trong đó việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít. Đáng tiếc, hầu hết trường hợp ung thư vú đều đã ở giai đoạn muộn mới nhập viện. Do đó, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến cáo mới: thay vì sàng lọc, tầm soát từ 45 tuổi thì phụ nữ Việt Nam nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn, từ 40 tuổi trở đi. Khi sàng lọc phát hiện sớm với mẫu trên 100.000 phụ nữ, tỉ lệ phát hiện là 59,2/100.000 dân- gấp đôi so với tỉ lệ thông thường.
Hiện nay kỹ thuật hiện đại cho phép xác định chính xác bệnh nhân có thụ thể gene HER2 dương tính, để bác sĩ có phương án điều trị sớm và hợp lý, hiệu quả. Trước đây xác định gene HER 2 bằng phương pháp nhuộm hóa miễn dịch, tỉ lệ sai sót khoảng 5-10%. Hiện nay kỹ thuật FISH nhuộm huỳnh quang cho tỉ lệ chẩn đoán chính xác gần 100%. Nếu công tác sàng lọc, phát hiện sớm được đầu tư hơn, 95% ca ung thư vú được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm.
Kỹ thuật mới là yếu tố quan trọng để bác sĩ quyết định ứng dụng liệu pháp điều trị trúng đích. Tỉ lệ sống thêm sau 1-3 năm điều trị của bệnh nhân đạt tới 98%, kể cả người bị di căn hạch. Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, nếu không phát hiện được gene này, không áp dụng phương pháp mới điều trị thì tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân là dưới 50%.