Các tỉnh Nam Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 9
Bão số 9 đã suy yếu và đã tan, nhưng hậu quả gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên là rất lớn, trong đó 3 tỉnh thiệt hại nặng nhất là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Bộ đội đang giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Mặc dù đã chủ động tất cả về mọi mặt của các cấp chính quyền và nhân dân, nên không gây thiệt hại về người, cũng như chủ động hoàn toàn về việc đưa toàn bộ các hộ dân có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng đi sơ tán để tránh trú. Đến nay tất cả các hộ dân đã được trở về nhà, cũng như hầu hết các tuyến đường bị sụt lở, lũ cuốn trôi, đến chiều ngày 26/11 đã được thông xe, chỉ riêng có tỉnh lộ từ TP Cam Ranh đi lên huyện miền núi Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn đang được khẩn trương khắc phục và có thể thông xe vào tối nay. Riêng tuyến đường sắt Bắc Nam cũng đã được thông tuyến từ sáng sớm ngày 26/11. Mực nước các sông trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ đang xuống.
Chỉ tính riêng tỉnh Bình Thuận, thiệt hại về nhà ở 19 căn; tàu thuyền thiệt hại 36 chiếc; lồng bè thủy sản 2 cái/10.500 con; diện tích lúa bị ngập 50 ha; kè biển bị hư hỏng 25 m2; sạt lở bờ biển trên 3 km. Cụ thể, tại TP Phan Thiết, bị sập và hư hỏng 19 căn (6 nhà tạm; 5 nhà cấp 4 và 8 nhà hư hỏng nhẹ, có nguy cơ bị sập - đã bị sạt lở trước đây vào tới kiềng nhà); chìm và hư hỏng thuyền máy và thúng chai 34 chiếc (có 1 chiếc công suất 65CV; 27 chiếc công suất < 20CV và 6 chiếc thúng máy.
Đặc biệt, theo ghi nhận, hiện tình trạng sạt lở tuyến đường giao thông Chí Công - Bình Thạnh tại khu vực Đồi Dương, xã Bình Thạnh, làm nguy cơ sập đổ 13 lều quán dọc ven biển. Thiệt hại 1 bè/18 lồng/8.000 con cá bớp từ 7 - 9 tháng tuổi (thiệt hại 100%). Tại Bắc Bình, bị sạt lở 28 m bờ bao sông Đồng thuộc xã Phan Hòa, địa phương đã huy động lực lượng xã khắc phục tạm thời bằng bao cát. Ngoài ra, ngập cục bộ khoảng 50 ha diện tích lúa vụ mùa trong giai đoạn gần chín (70 - 75 ngày tuổi).
Riêng tại Hàm Thuận Nam cũng thiệt hại 1 bè/2.500 con cá bớp (từ 1 - 3kg/con) thiệt hại 100%; sạt lở 20 m đường bờ biển, vào sau từ 2 - 3 m, tại thôn Kê gà, xã Tân Thành; có 2 ngôi nhà bị uy hiếp trực tiếp, có nguy cơ sập. Công tác khắc phục và thống kê thiệt hại đang được các địa phương triển khai thực hiện. Chỉ tính riêng huyên Bắc Bình đã có 325 căn nhà bị ngập (Sông Lũy: 15 căn; Phan Hòa 310 căn).
Tổng diện tích cây trồng thiệt hại là 3.003 ha.Cụ thể, khoảng 1.712 ha lúa sắp chín (Phan Hòa, Phan Rí Thành: 700 ha; Lương Sơn 10 ha, Phan Hiệp 50 ha, Phan Thanh 120 ha, Hồng Thái 630, Sông Bình 200 ha, Sông Lũy 2 ha); 855 ha thanh long (Hồng Thái 625 ha, Phan Thanh 10 ha, Phan Rí Thành 70 ha, Lương Sơn 50 ha, Phan Hiệp 100 ha) ; 436 ha hoa màu (Lương Sơn 400 ha, Phan Thanh 20 ha, Sông Lũy 16 ha). Ngoài ra, lũ cuốn trôi 7 con bò (xã Sông Lũy 3 con, Phan Thanh 4 con). Công trình phúc lợi: Sập 50 m tường rào trường Tiểu học Phan Hòa 1. Ngã, đổ 1 trụ điện thôn Bình Nhơn – xã Bình Tân; Sập 1 cầu (Cầu Lệ Ngân), ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, để chủ động ứng phó, hỗ trợ cho các địa phương, ngoài lực lượng “4 tại chỗ”, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đã phân công Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm nhiệm huyện Ninh Phước và Thuận Nam; Công an tỉnh đảm nhiệm TP Phan Rang - Tháp Chàm; Lữ Đoàn Đặc Công 5 đảm nhiệm Thuận Bắc và Ninh Hải; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm nhiệm các xã ven biển An Hải, Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná; Trung đoàn Không quân 937 đảm nhiệm địa bàn Bác Ái; Tiểu đoàn Phòng không 24 đảm nhiệm Ninh Sơn; Vùng 4 Hải quân trực sẵn sàng khi có yêu cầu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN để nhận nhiệm vụ.
Khánh Hòa cũng là tỉnh bị ngập nặng như: Phước Đồng (Nha Trang); Quốc lộ 1 đoạn qua Cam Ranh; cầu tràn Thác Ngựa, Khánh Vĩnh; cầu tràn ở Khánh Sơn; cầu tràn Ko Róa... Một số điểm bị sạt lở là đường đi Cam Lập, TP Cam Ranh; Quốc lộ 27C (đường đi Đà Lạt); Đèo Cù Hin (đi sân bay Cam Ranh); Tỉnh lộ 3 (xã Phước Đồng). 2 ngôi nhà trên đảo Bình Ba bị mưa lũ làm sập, tài sản bị cuốn trôi, may mắn không có thiệt hại về người. Tại huyện Cam Lâm, nhiều diện tích hoa màu, cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản của người dân bị thiệt hại, thiệt hại hiện chưa được thống kê.
Ngay từ sáng ngày 25/11 đã có hàng trăm cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Lữ đoàn Công binh 293, Đội cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực Cam Ranh dọn dẹp hàng tấn bùn đất do mưa lũ để lại tại Trường mầm non Cam Thịnh Đông.
Theo Thượng tá Trần Tấn Cường, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, sau khi hoàn tất việc dọn dẹp tại trường mầm non Cam Thịnh Đông, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa tiếp tục điều động lực lượng cơ động đến các khu vực khác giúp dân, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Đến trưa ngày 26/11 tất cả các tỉnh nam Trung bộ đã bỏ lệnh cấm biển.
Hiện nay các cấp chính quyền và nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ đang khẩn trương khắc phục mưa lũ, đảm bảo nhanh chóng thông xe toàn bộ trên các tuyến đường, trong đó có cả tỉnh Phú Yên và Bình Định, đảm bảo đi lại cho nhân dân, cũng như góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.