Học phí đại học: Tăng đến đâu là đủ?

Thu Hương 27/11/2018 07:30

Thống kê cho thấy, trong số 23 trường đại học tự chủ hiện nay, 70% nguồn thu vẫn đến từ học phí, lệ phí là rất rủi ro, do phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh. Gánh nặng học phí khiến nhiều gia đình có con em theo học đại học không khỏi lo lắng. Một nghiên cứu gần đây cho hay, có tới 28% sinh viên có nguy cơ bỏ học vì tăng học phí.

Học phí đại học: Tăng đến đâu là đủ?

Tăng học phí - mối lo của nhiều gia đình có con em học đại học. Nguồn: ĐH Kiến trúc TP HCM.

Theo lộ trình nhưng vẫn sốc

Em Phạm Thị Phương Thủy (sinh viên năm cuối ngành Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, khi nhập học năm 2014, nhà trường thu tiền học phí theo tín chỉ với khoảng 270.000 đồng/tín chỉ. Sau 4 năm học, hiện nay nhà trường đã tăng lên gần 500.000 đồng/tín chỉ. Vì gia đình thuộc hộ cận nghèo của xã nên Thủy được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để đóng học phí nên phần nào san sẻ áp lực nuôi con học ĐH của gia đình. Tuy vậy, để có tiền trang trải sinh hoạt phí hàng tháng, Thủy vẫn đi làm thêm nhiều công việc khác nhau như bán cửa hàng thời trang, chạy bàn quán cà phê… Với mức lương chỉ 12.000 đồng/giờ, Thủy cho biết do không có phương tiện nên em chỉ có thể xin việc làm thêm quanh trường. Riêng công việc gia sư dù cố gắng tìm kiếm nhưng khá khó do khu vực em ở là ngoại thành…

Làm thêm là lựa chọn phổ biến của nhiều sinh viên hiện nay. Bên cạnh lý do tích lũy kinh nghiệm, tạo cơ hội thực hành những điều đã học trong nhà trường, một phần lớn sinh viên tìm việc làm thêm vì lý do tạo thêm thu nhập. Điều tra của PGS.TS Đặng Thị Lệ Xuân - Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) về tác động chính sách học phí đối với sinh viên được thực hiện với trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh thành vào đầu năm 2017 cho thấy, hiện có 51% sinh viên đang phải đi làm thêm vì học phí cao, trong đó nhóm nghèo nhất phải đi làm thêm nhiều nhất là 79% (không tính số người làm thêm vì muốn có thêm kinh nghiệm).

Đáng chú ý, chỉ có 15-21% sinh viên cho rằng việc đi làm thêm không ảnh hưởng tới việc học, số còn lại cho biết việc phải đi làm thêm quá nhiều ảnh hưởng tới việc lên lớp, tiếp thu bài giảng, kết quả học tập và khả năng hoàn thành khóa học của sinh viên.

Cuộc điều tra còn lấy ý kiến, phản ứng của phụ huynh có con đang học hoặc chuẩn bị thi ĐH về mức học phí hiện hành. Khi được hỏi về mức học phí mới (13-17 triệu đồng/năm), có tới 85% nhóm nghèo nhất cho rằng đây là mức cao và rất cao.

Cũng với mức học phí này, gần 40% số người nhóm nghèo nhất và trên một nửa số người nhóm cao hơn không thể đảm bảo kinh phí cho con theo học. Nếu tính tổng tất cả các nhóm, có tới 37% số hộ gia đình sẽ không thể đảm bảo kinh phí cho con đi học ĐH. Giải pháp với các gia đình này là chọn trường có mức học phí thấp hơn hoặc vay tiền cho con học, cho con đi làm thêm. Hiện có 74% người sẵn sàng vay tiền cho con theo học ĐH.

Từ con số này, có thể thấy gánh nặng học phí đang có những tác động đến lực chọn ngành học, trường học của một bộ phận gia đình, chủ yếu là những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, lộ trình tăng học phí của nhiều trường ĐH mặc dù đã được nhiều thông báo từ trước nhưng vẫn là một gánh nặng với một bộ phận người học và gia đình.

Chú trọng chính sách tín dụng sinh viên

Tự chủ ĐH đang được xem như là cánh cửa mở rộng để các trường phát triển và hội nhập. Trong đó, tự chủ tài chính là một trong ba nội dung được quan tâm nhiều nhất. Nhưng với 70% nguồn thu vẫn đến từ học phí, lệ phí như đã đề cập ở trên tiềm ẩn rủi ro lớn.

Nghiên cứu về kinh nghiệm “giải bài toán” đầu tư tài chính cho giáo dục ĐH ở một số quốc gia trên thế giới, GS Phạm Phụ (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ bản vẫn là cơ cấu “chia sẻ chi phí”. Cụ thể, chi phí đơn vị sẽ được chia sẻ, tính theo % giữa ngân sách nhà nước (NSNN); học phí từ người học và đóng góp của cộng đồng.

Học phí đại học: Tăng đến đâu là đủ? - 1

Chính sách học phí đang tác động đến việc chọn trường của nhiều thí sinh và gia đình.

Hiện tỉ lệ học phí trong cơ cấu chia sẻ chi phí ở Việt Nam đã tương đối cao so với một số nước trên thế giới. Để hỗ trợ người học, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách vay vốn cho sinh viên từ năm 2007 và tiếp tục thực hiện cho đến nay. Đối tượng được vay vốn là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TC chuyên nghiệp và các trường dạy nghề với mức vốn cho vay năm 2018 là 1,5 triệu đồng/tháng/sinh viên. Lãi suất cho vay đối với sinh viên hiện nay là 0,55%/tháng.

Nhìn sang kinh nghiệm thế giới, chính sách cho sinh viên vay hiện nay trên thế giới rất đa dạng. Ví dụ, có nơi cho sinh viên đã đi học chính thức được quyền vay với mức lãi suất thực bằng 0 để trả học phí. Sau khi tốt nghiệp, xin được việc làm và có mức lương cao trên một ngưỡng nào đó thì mới bắt đầu trả và trả gần như kiểu đóng thuế thu nhập cá nhân. Nếu đến tuổi hưu chưa trả hết thì được xóa nợ. Nhà nước trích một phần NSNN dành cho GDĐH để chi cho việc “bao cấp” lãi suất và những bất trắc.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của ĐH Việt Nam là việc thu hút, kêu gọi tài trợ của cộng đồng chưa được như kỳ vọng. Hiện nhiều nước trên thế giới có truyền thống đóng góp của cộng đồng cho chi phí ở ĐH. Nguồn này bao gồm tài trợ của doanh nghiệp, của cựu sinh viên, của chính trường ĐH (do thu được qua các hoạt động kinh doanh, qua các công ty của nhà trường) và nguồn lợi phát sinh từ những khoản vốn riêng của nhà trường...

Theo GS Phạm Phụ, gần đây các ĐH công lập ở Singapore, Malaysia... cũng có chính sách xây dựng khoản vốn riêng của trường.

“Ở Singapore, khi một ĐH huy động được 1 USD tài trợ, Nhà nước sẽ tài trợ cho 2 USD để lập khoản vốn riêng. Đây cũng là một con đường để “xã hội hóa” giáo dục ĐH ở Việt Nam”- GS Phạm Phụ đề xuất.

Đối với những tác động của việc tăng học phí, PGS.TS Lệ Xuân kiến nghị cần kết hợp học phí với các chính sách tài chính khác như học bổng cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách và đặc biệt chú trọng thực thi chính sách tín dụng sinh viên một cách hiệu quả...

Đây cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để không làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao, chất lượng tốt của người nghèo, đối tượng chính sách. Cụ thể, có thể lập quỹ học bổng giúp sinh viên nghèo, con gia đình chính sách. Đồng thời, Nhà nước đặt hàng đào tạo những ngành học đặc thù ít sinh viên theo học hoặc nhân lực cho những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, con em dân tộc thiểu số, con nhà nghèo…

Thu Hương