Cuộc đổi đời của cư dân vùng di sản

Vân Hải 28/11/2018 15:29

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt hả anh... Em đã lang thang mọi miền, giờ trở về Hạ Long quê mình, vẫn thấy đây là nơi dễ sống nhất!” – Tuyến chở tôi lòng vòng quanh khu Hòn Gai, Bãi Cháy, vừa hàn huyên như một người quen lâu ngày gặp lại. Tuyến kể rằng, mỗi đêm khi thành phố lên đèn, cũng là lúc cánh taxi đưa khách ngược xuôi hối hả, đó là thời cơ kiếm được nhiều tiền nhất trong ngày ở một thành phố du lịch đã quen với nhịp sống về đêm.

Cuộc đổi đời của cư dân vùng di sản

Anh Đoàn Minh Tuyến.

Sinh ra ở thành phố mỏ, đã từng học cơ điện, rồi làm đủ các nghề từ vào lò, phụ bếp nhà hàng đến nhân viên nhận đơn hàng cho một nhà phân phối thực phẩm... nhưng rồi năm 2007, Đoàn Minh Tuyến (P Hồng Hà, TP Hạ Long) vẫn phải xách ba lô ra đi. Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội..., nơi nào có người giới thiệu việc làm là Tuyến lên đường, với hy vọng có thể tìm thấy cơ hội khá hơn.

10 năm ròng, nghề cuối cùng Tuyến trụ được cho đến giờ là nghề taxi. Ba năm chạy thuê ở Hà Nội, cuộc sống chật vật vẫn đeo bám anh. Năm 2016, Tuyến quyết định trở về quê, vay mượn anh em, họ hàng đầu tư một chiếc Vios 4 chỗ gần 600 triệu đồng để làm nghề. “Đi khắp nơi, vẫn thấy Hạ Long mình là dễ thở nhất anh à. Với lại lúc em về thành phố đã đổi khác lắm rồi, không còn cảnh 7 - 8 giờ tối đường sá tối om. Bây giờ đêm Hạ Long nườm nượp người tứ xứ: khách du lịch, dân nhập cư, người buôn bán... Nghề taxi nhờ thế mà đắt khách”.

Vừa chịu khó, vừa có kinh nghiệm cầm lái ở thành phố lớn, Tuyến kiếm vài chục triệu đồng/tháng không quá khó. Anh thường đón khách gần công viên Sun World Halong Complex ở khu Bãi Cháy. Chưa đầy hai năm, Tuyến đã trả hết nợ vay mua xe, và bây giờ thì “đều đều nộp cho "Osin nhà" không dưới 15 triệu đồng mỗi tháng” – Tuyến cười hào hứng, mời tôi đi ăn bánh mỳ cay ở phố Anh Đào.

Cuộc đổi đời của cư dân vùng di sản  - 1

Anh Nguyễn Anh Hào (ngoài cùng bên trái) cùng khách du lịch.

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh du lịch Đại học Thương mại Hà Nội - Nguyễn Anh Hào - Tổ trưởng Tổ hướng dẫn viên Công ty CP Du lịch lữ hành Hữu Nghị (TP Hạ Long) là một gương mặt từng trải, tự tin và cởi mở.

Khách du lịch yêu mến Hào bởi vì ngoài thành thạo ngoại ngữ, anh còn được xem như một “pho sách sống” về lịch sử, văn hóa, phong tục, thiên nhiên và cuộc sống con người vùng biển Đông Bắc. Những câu chuyện của anh trong mỗi chuyến đi luôn là sự gợi mở bất ngờ, thú vị với những người đồng hành. Hào thông thuộc rành rẽ vị trí, tên gọi của từng hòn đảo trong vùng di sản cũng như anh có thể giới thiệu hàng giờ về hang động, các loài động thực vật trên cạn, dưới nước vô cùng phong phú của vịnh Hạ Long.

"Nếu những năm đầu tiên cách đây hơn 10 năm, tôi luôn cảm thấy hoang mang về tương lai nghề nghiệp của mình, thì giờ đây, tâm trạng kia đã được thay bằng niềm vui và hy vọng. Bởi Hạ Long hiện đại, thênh thang, đẹp lên từng ngày, cả về diện mạo đô thị, hạ tầng và sản phẩm du lịch." - Nguyễn Anh Hào nhận xét.

Trên thực tế, nửa đầu năm 2018, lượng khách du lịch tới Hạ Long đã đạt 7,5 triệu lượt người. Đó là giấc mơ đối với tất cả những người làm nghề hướng dẫn viên du lịch ở thành phố di sản. Nguyễn Anh Hào cũng cho biết, trung bình mỗi tháng, riêng anh đã đảm nhiệm đưa đón 4 - 5 đoàn khách nước ngoài với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng. Chưa kể một số nguồn thu từ kết hợp kinh doanh các mặt hàng lưu niệm và văn hóa phẩm.

Hào nói: "So với các nghề khác ở thành phố này, hướng dẫn viên du lịch không thể gọi là giàu nhưng luôn bảo đảm một đời sống ổn định, nhiều niềm vui. Đó là điều chắc chắn".

Cuộc đổi đời của cư dân vùng di sản  - 2

Anh Phạm Tuấn Dũng với "giấc mơ homestay".

Ở Hạ Long, homestay cũng là một nghề kinh doanh du lịch khá phát triển. Với Phạm Tuấn Dũng (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), loại hình này đã hấp dẫn anh ngay từ khi còn là sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ra trường, về Hạ Long và được tuyển dụng làm việc ngay tại một ngân hàng từ năm 2017, thu nhập khá ổn định, nhưng Dũng không an phận một công chức khi anh nhìn thấy tốc độ phát triển và vận hội to lớn của ngành du lịch quê nhà. Vậy là chàng trai trẻ rời bỏ nghề "cạo giấy" để đến với "giấc mơ homestay".

Trong mắt Dũng, một thành phố giao thoa giữa núi đồi và biển như Hạ Long của anh là một thị trường kinh doanh homestay lý tưởng. Đối lập với những khách sạn 5 sao, các khu resort sang trọng, homestay chỉ cần những ngôi nhà nhỏ có thể nằm trên triền đồi, ven bờ biển hoặc ở giữa những con phố đông đúc trong thung lũng - nơi mà cuộc sống bình dân luôn quyến rũ giới du khách đam mê trải nghiệm và khám phá. Hiện tại, Dũng đang quản lý chuỗi thương hiệu Local Homestay gồm 40 điểm, với thu nhập những tháng cao điểm không dưới 30 triệu đồng/điểm.

Cuộc đổi đời của cư dân vùng di sản  - 3

Chỉ mấy năm trước đây thôi, Hạ Long khác lắm. Người trẻ trung thích du ngoạn, ham vui chả mấy khi chọn chốn này, Hạ Long khi ấy giữ sự quyền quý của một bà hoàng trên ngôi cao di sản, già nua, buồn tẻ.

Từ ngày đón những dự án lớn, các tổ hợp vui chơi giải trí hàng đầu khu vực và thế giới, những khu nghỉ dưỡng 5 sao sang trọng, hệ thống dịch vụ tiện ích cải thiện, hạ tầng hiện đại… “bà hoàng” ấy bỗng như được trẻ hóa thành “nàng công chúa tuổi xuân thì” rực rỡ. Du khách nội địa, sau nhiều năm bỏ rơi “thành phố biển không bãi tắm”, thì nay về đây mỗi cuối tuần, để thư giãn, để sum vầy vui vẻ, bởi đường sá thênh thang, phố phường sống động cả ngày lẫn đêm. Khách quốc tế cũng ngỡ ngàng vô công viên nước Typhoon Park, dạo chơi trên vịnh biển không phải bằng tàu thuyền mà bằng cáp treo. Có nhiều thứ rất khác ở Hạ Long, kéo khách về vùng di sản.

Từ giờ đến hết năm 2018, Quảng Ninh, Hạ Long lại có thêm cơ hội đón những dòng khách khủng, khi Cảng hàng không Vân Đồn, Cảng hành khách quốc tế Hòn Gai và tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đồng loạt đi vào vận hành.

Thêm khách, nghĩa là thêm cơ hội làm giàu. Người Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh cũng chỉ mong có thế.

Vân Hải