Lương, biên chế và mức sống
Quốc hội quyết định từ 1/7/2019 sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng. Cùng đó là việc tinh giản biên chế trước khi tăng lương để cân đối chi tiêu, đảm bảo cho khả năng tăng lương theo Nghị quyết đề ra. Bởi nếu không, tăng lương lại trở thành gánh nặng cho ngân sách.
Đã có tới 418/422 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với điểm nhấn: Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng từ 1/7/2019. Vậy là, chính sách tiền lương đã qua 4 lần cải cách vào các năm 1960, 1985, 1993, 2003. Chính phủ cũng đã 3 lần lỡ hẹn với cải cách tiền lương cho cán bộ công chức và người lao động, nhưng đến nay không thể lỡ hẹn được nữa khi 86,19% tổng số ĐBQH tán thành.
Nhưng việc đầu tiên được PGS.TS Vũ Quang Thọ- Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhắc đến trước quyết định tăng lương đó là cần tinh giản biên chế. Là bởi khi tinh giản biên chế, lúc đó việc tăng lương mới đem lại hiệu quả, và đây là nhiệm vụ số 1 trước khi tăng lương.
Ông nói: “Chính phủ phải điều chỉnh, sắp xếp, rà soát lại biên chế, nhân lực trong từng cơ quan, đơn vị, để biên chế đúng với yêu cầu của quản trị nhân lực vi mô. Nếu không làm được, không thể nào tìm được biện pháp tăng lương bởi biện pháp tăng lương hiện nay, nhất là khối hành chính sự nghiệp, phần lớn dựa vào ngân sách trong khi ngân sách có hạn. Nếu không rà soát sắp xếp lại biên chế, giảm biên chế thì không bảo đảm được tăng lương”.
Lương và biên chế luôn là 2 vấn đề song song tồn tại trong bộ máy nhà nước. Căn nguyên sâu xa của chính sách tiền lương là phải tạo động lực mới đối với những người có năng lực trình độ cao, giúp họ chuyên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất, thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Không phải ngẫu nhiên, Hội nghị Trung ương 7 đã xem xét cải cách tiền lương sau khi có Nghị quyết về cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6. Đây là vấn đề được tính toán kỹ khi yếu tố cải cách tổ chức bộ máy được bàn trước chuyện tăng lương.
Cụ thể, một khi lương mới đáp ứng 70% nhu cầu của cuộc sống, vậy 30% còn lại lấy từ đâu? Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng đề cập, bất cập về tiền lương hiện nay dẫn đến hệ luỵ, sự tha hoá của công chức và làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước. Khi lương không có tác dụng để tạo động lực nâng cao hiệu quả, hiệu suất lao động và cũng không phản ánh chính xác giá trị thực của lao động, thì khó có thể trở thành động lực để người lao động toàn tâm toàn ý mà phụng sự hết sức mình. Từ đó rất dễ dẫn đến chuyện số lượng công chức tìm kiếm thu nhập thêm bên ngoài ngày một nhiều lên.
Nhưng, trong tinh giản tinh biên chế, làm sao phải có những chính sách để không thiệt thòi cho những người “tự mình tinh giản” có thể trang trải được cuộc sống khi cả đời cống hiến là vấn đề cần được tính toán, lưu tâm. Nhất là khi, đã có tiền lệ về việc TP Hồ Chí Minh có chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, ngoài việc được hưởng theo quy định còn được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH); từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương hiện hưởng. Còn đối với các đối tượng đủ điều kiện thôi việc ngay, được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm, trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
Thực tế, việc đưa ra chính sách trợ cấp thêm này để động viên cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức và bộ máy. Nhưng quan trọng hơn, “chính sách trợ cấp thêm” còn là một sự ghi nhận cho những cống hiến, đóng góp của những cán bộ cả đời cống hiến, còn nay tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hay nghỉ việc.
Vấn đề đầu tiên không phải tiền ở đâu? Nguồn ở đâu mà nằm ở những con số chi trả cho bao nhiêu người? Khi bộ máy được tinh giản cùng với những chính sách an sinh xã hội hợp lý thì lúc đó tăng lương mới đem lại ý nghĩa, gắn với nâng cao năng suất lao động. Nhưng quan trọng hơn là người lao động toàn tâm, toàn ý lao động cống hiến cho bộ máy nhà nước chứ không phải “đau đáu” trong bài toán: Lương mới đáp ứng được 70% mức sống.