Xóm lò rèn và nỗi lo thất truyền
Dưới cái nắng như thiêu đốt, những người thợ rèn vẫn miệt mài quai búa bên lò lửa để duy trì cái nghề truyền thống đang lụi tàn.
Giữa trưa, con đường nhỏ dẫn vào xóm lò rèn trứ danh ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu tĩnh lặng đến kỳ lạ. Tiếng búa, tiếng đe thưa thớt vọng ra từ một lò rèn duy nhất còn đỏ lửa như nỗi niềm của một làng nghề đang lụi tàn.
Ông Nguyễn Văn Ơn là một trong số ít những người thợ rèn còn giữ lửa cho làng rèn Ngan Dừa.
Nhọc nhằn quai búa
Kéo vạt áo lau mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt lem luốc vì bụi than bám đầy, ông Nguyễn Văn Ơn (61 tuổi) mở đầu câu chuyện về nghề rèn như một triết lý sống của người thợ già tuổi đời lẫn tuổi nghề: “Nghề rèn cũng như rèn luyện tính cách, năng lực của con người vậy. Rèn càng lâu, càng kỹ thì món đồ làm ra càng tốt, càng bền, càng đẹp. Một dụng cụ rèn xong phải qua quá trình tôi luyện gian nan. Từ một thanh sắt vô tri được nung, đập, giũa, rèn…sẽ trở thành một dụng cụ giúp ích cho con người. Đó cũng là lý do tôi gắn bó với nghề này hơn 40 năm nay”.
Cứ vài phút, ông Ơn lại gắp miếng sắt đang cháy đỏ rực trong lò ra nhúng vào bể nước, rồi đặt lên đe cho hai người thợ lực lưỡng nhịp nhàng tay quai tay búa. “Từ lúc mới sinh ra tôi đã nghe tiếng búa, tiếng đe của cha rồi. Tuổi thơ tôi cũng gắn liền với những âm thanh quen thuộc ấy. Có lẽ tôi sinh ra để theo cái nghiệp quai búa nhọc nhằn và dần yêu nghề không thể tách rời như hơi thở” - ông Ơn tiếp lời.
Các con của ông Ơn từ nhỏ cũng phụ giúp cha làm nghề rèn, song ông quyết tâm cho con ăn học để không nối bước cái nghề nhọc nhằn và cơ cực mà bản thân mình đã trót đeo mang. Cả hai người con ông Ơn giờ đều là giáo viên, thỉnh thoảng cũng khuyên ông giải nghệ vì tuổi già sức yếu và bệnh tật. Thế nhưng, ông bảo chừng nào không còn cầm nổi cây búa để rèn nữa thì tự khắc sẽ nghỉ ngơi.
Để trở thành thợ rèn thực thụ, người có năng khiếu phải học ít nhất 3 năm hoặc lâu hơn nữa. Ngoài sức vóc và đôi tay khéo léo, người thợ rèn phải có đôi mắt tinh anh và sự kiên nhẫn. Trên tất cả là phải có tâm và yêu nghề. Công cụ rèn sắt thép của những người thợ ở Ngan Dừa vốn rất đơn sơ, hầu hết là thủ công với lò đốt bằng loại than củi dầu có sức tỏa nhiệt cao hơn 10.000 độ C. Thông thường, người thợ rèn phải dùng một cây búa chính nặng khoảng 5 kg và một cây búa phụ nặng khoảng 3 kg để đập sắt nung, tạo hình cho sản phẩm. Họ phải đập liên tục hàng trăm nhát búa và từng nhát búa phải nguyên lực, đều đặn, chuẩn xác như nhau. Đòi hỏi người thợ phải có tính cần cù và kiên nhẫn rất cao.
Hơn 40 năm theo nghề, ông Ơn vẫn luôn ghi nhớ trong lòng lời căn dặn tha thiết của cha: “Nghề rèn không giúp con làm giàu, nhưng sẽ giúp con học được cái đức để sống có ích”.
Đau đáu tìm truyền nhân
Lúc hưng thịnh, làng rèn Ngan Dừa có đến gần 50 lò rèn. Sản phẩm xuất xứ từ đây đã trở thành thương hiệu vang danh một thời khắp vùng ĐBSCL. Nhưng ngày nay, nhiều thợ trong xóm thường nói vui với nhau rằng mỗi khi nện những nhát búa xuống đe sẽ vang lên những tiếng: “đắp… đổi” hoặc “cùng… cực”. Như lời ta thán về nỗi cơ cực của người thợ rèn trong thời buổi kinh tế thị trường.
Cũng là một người thợ rèn có thâm niên hơn 50 năm ở làng nghề này, ông Quách Văn Hây cho biết: “Nếu có khách đến đặt hàng kha khá thì trung bình mỗi người thợ rèn ở Ngan Dừa có thu nhập từ 100-150 nghìn mỗi ngày, vẫn không đủ trang trải. Hiện nay, số lượng khách đến đặt hàng ngày một thưa thớt, người ta chuộng hàng chợ vì giá rẻ hơn đồ thủ công chất lượng”.
Gia đình ông Hây làm nghề tới con trai ông là đời thứ 4. Ông kể, đi đâu làm gì cũng không bỏ được nghề. Đến nay, dù đã 70 tuổi, cái tuổi nghỉ ngơi nhưng thấy còn khỏe nên ông vẫn tiếp tục làm cùng con cháu. “Mấy năm trước, nhà có ghe hơn chục tấn đi kinh doanh củi cùng con trai, giao lò lại cho con trai út làm, nhưng đi được vài tháng gặp mùa mưa. Chạng vạng tối, nằm trên ghe nghe ếch nhái kêu vang trời là nhớ nhà, nhớ nghề nên quay về tiếp tục làm cho đến nay” - ông Hây tâm sự.
Theo ông Hây, giờ lò rèn nhà ông chỉ hoạt đồng cầm chừng do đơn đặt hàng ít dần, số lò rèn còn sót lại trong xóm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều bếp rèn nguội lạnh, người thợ rèn ngày xưa chuyển đổi nghề khác để tạo sinh kế bền vững hơn, công cụ sản xuất nằm xếp xó trong góc nhà. Xã hội ngày một tiến bộ, máy móc công nghiệp dần thay thế sức người trên đồng ruộng, trong khi những thế hệ thợ rèn như ông Ơn, ông Hây giờ đây càng hiếm. Thế hệ trẻ thì vẫn rời quê hương để tìm cơ hội mới, nên các ông tìm đỏ mắt cũng không thấy đâu truyền nhân cho cái nghề rèn đang nguội lạnh.