Hóa giải rào cản vào chuỗi giá trị toàn cầu
Giới chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp (DN) Việt Nam chậm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì vướng hàng loạt điểm yếu như: chất lượng chưa đạt, năng suất thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, thị trường xuất khẩu nhỏ hẹp…
Ông Koji Takamoto - Phó chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, hầu hết DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam chỉ tham gia nhập khẩu và lắp ráp là chính, cho nên giá trị cộng thêm không cao. Điều này vô hình trung không tạo lợi nhuận lớn, trong khi DN tại Việt Nam có thể cung ứng nguyên liệu, thiết bị.
“Tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt Nam ngày càng cao. Sau 5 năm, tỷ lệ cung ứng hàng hóa của DN Việt Nam cho DN Nhật Bản tăng được 4%, từ 29% vào năm 2015 tăng lên 33% vào năm 2017” - ông Takamoto nói.
Đánh giá cao tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng phía Hiệp hội DN Nhật Bản mong muốn tỷ lệ này tăng cao hơn nữa. Theo khảo sát của Hiệp hội DN Nhật Bản, so với các nước thì DN Việt Nam chậm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, sau một thời gian dài nỗ lực phát triển tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ dừng lại ở mức 33%, trong khi Trung Quốc đạt 67%, Thái Lan 56%, Indonesia 45%.
Ông Ron Ashkin - Giám đốc Dự án USAID Link SMS, cho rằng các DN vừa và nhỏ Việt Nam chiếm 98% tổng số DN, đóng góp 45% GDP cả nước nhưng nghịch lý ở chỗ chỉ có 21% DN vừa và nhỏ có hoạt động cung ứng cho các DN lớn. Theo nhận định của vị chuyên gia nước ngoài, DN trong nước có quá nhiều điều kiện tốt để gia tăng xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì nhà đầu tư đông, dày đặc danh sách về các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Yêu cầu hiện nay là DN phải chủ động nắm bắt cơ hội.
Mong muốn DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, các chuyên gia cho rằng, DN phải đổi mới bằng những hành động cụ thể để liên kết chặt với DN FDI chứ không dừng lại việc lên kế hoạch. Kết nối hiệu quả với chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi DN phải phân tích năng lực của chính mình để biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì, người mua cần gì, khả năng đáp ứng của mình đến đâu? Nói chung là nhìn lại ưu khuyết điểm của DN để loại bỏ và phát huy.
Về phía Nhà nước, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ sản phẩm cuối cùng đến con đường xuất khẩu thành công hơn. Cùng với sự nỗ lực của DN, hỗ trợ từ Chính phủ, hiệp hội DN của các nước cũng cam kết hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.